Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đánh tráo bản chất phiên tòa xét xử vụ khủng bố - âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch

PV - 15:10, 23/01/2024

Từ 16-20/1/2024, TAND tỉnh Đắk Lắk đưa ra xét xử sơ thẩm 100 bị cáo trong vụ khủng bố, tấn công trụ sở UBND hai xã ở Đắk Lắk, giết hại cán bộ, chiến sĩ Công an và người dân vào rạng sáng 11/6/2023.

Phiên toà xét xử các bị cáo trong vụ khủng bố ở Đắk Lắk.
Phiên toà xét xử các bị cáo trong vụ khủng bố ở Đắk Lắk.

Trước, trong và sau phiên toà, trên nhiều kênh thông tin báo chí nước ngoài, các trang mạng của tổ chức phản động lưu vong và trang mạng cá nhân của các đối tượng chống đối đã tung ra thông tin sai sự thật, các hình ảnh được dàn dựng, cắt ghép với mục đích chính trị hoá vụ án.

Họ cố tình đánh tráo bản chất, biến vụ khủng bố thành vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong các dân tộc ở Tây Nguyên nhằm kích động tâm lý kỳ thị dân tộc, gây chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Đồng thời tạo cớ để kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

Thủ đoạn đánh tráo bản chất vụ án

“Chính trị hóa” vụ án hình sự là hành vi được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm bẻ lái, xuyên tạc, áp đặt, cho đó là “vi phạm nhân quyền”, “vi phạm dân chủ”, “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng phe nhóm”, “lỗi do độc đảng”... Họ thổi phồng, suy diễn vụ việc sang hướng quy kết thành những vấn đề chính trị của đất nước. Đài Á châu tự do (RFA) đưa bài “Vụ xả súng tại Đắk Lắk vào tháng 6/2023 là “phản kháng chống lại áp bức”, xuyên tạc sự thật.

Họ tẩy trắng hành vi khủng bố và kích động, xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta, đồng thời tiếp tục cổ suý, kích động cho những hành động khủng bố trên.

Báo điện tử BBC Tiếng Việt ngày 17/1 đăng bài “Thấy gì từ phiên tòa xét xử 100 người vụ tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk?”, đưa nhiều thông tin sai sự thật, mang tính chụp mũ, suy diễn như: “Báo chí trong nước khi đưa tin phiên tòa đều gọi các bị cáo là khủng bố, tạo ra cái nhãn “có tội” cho tất cả những người này dù chưa hề có bản án có hiệu lực của tòa”! Các đối tượng tiếp tục vu cáo Việt Nam đàn áp người dân tộc thiểu số suốt nhiều thập kỷ qua và quy kết hành vi tấn công khủng bố là phản ứng từ sự dồn nén, phẫn uất quá lâu của người dân mà sự kiện ngày 11/6/2023 “tựa như một sự tức nước vỡ bờ”!

Đài VOA Tiếng Việt đưa tin phiên toà bằng việc dẫn lại nguồn tin của báo chí. Tuy nhiên, trang tin đã lồng ghép, xuyên tạc bản chất vụ việc vào nội dung bài báo như phủ nhận hành vi khủng bố và coi các hoạt động trên là sự “phản kháng áp bức”! Đồng thời, bài viết trích dẫn những nội dung sai trái khác nhắm vào miệt thị chính quyền, quy cho nguyên nhân vụ khủng bố là “họ đã bị đẩy đuổi đến bước đường cùng”!

Không chỉ đến khi xảy ra vụ việc các đối tượng tấn công khủng bố ở Đắk Lắk mà trước đó các kênh thông tin báo chí nước ngoài, các trang mạng của tổ chức phản động lưu vong và trang mạng cá nhân của các đối tượng chống đối đã đưa nhiều thông tin sai sự thật, có các bình luận mang tính chụp mũ, suy diễn. Họ xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta khi nói rằng, giải pháp cho các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội ở Tây Nguyên đều lặp lại điệp khúc này từ khi đất nước thống nhất, ngày 30/4/1975.

Thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên của các thế lực thù địch, phản động theo các hướng sau:

Một là, sử dụng triệt để các tiện ích của phương tiện truyền thông trên internet, trong đó có mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta liên quan đến các vấn đề dân tộc, tôn giáo; vu cáo Nhà nước phân biệt đối xử, đàn áp quyền của người dân tộc thiểu số nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân, kích động đồng bào chống đối chính quyền, đòi ly khai, quyền tự trị, đòi thành lập “Nhà nước Đê-ga” độc lập.

Hai là, lợi dụng các chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta để tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật, nhất là đạo “Tin lành Đêga” nhằm tôn giáo hóa các vùng dân tộc thiểu số, tiến tới tập hợp lực lượng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó kết hợp vấn đề dân tộc và tôn giáo để kích động hoạt động biểu tình, bạo loạn, tạo thành điểm nóng chính trị, an ninh xã hội.

Ba là, triệt để lợi dụng những vấn đề lịch sử để lại nhằm thực hiện việc kích động hận thù, chia rẽ đồng bào các dân tộc thiểu số, khoét sâu tâm lý ly khai, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết vùng miền, đoàn kết lương giáo, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, đoàn kết quân - dân, đoàn kết cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân...

Âm mưu cơ bản, lâu dài của các đối tượng chống đối trong và ngoài nước đối với vùng đất Tây Nguyên là xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp quyền của người dân tộc thiểu số; tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc đòi ly khai, tự trị, thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê-ga”, tách Tây Nguyên ra khỏi đại gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; biến địa bàn Tây Nguyên thành khu vực mất ổn định, vùng tự trị, tiến tới thành lập “nhà nước độc lập”. Đồng thời, tạo ngòi nổ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những khu vực khác hình thành nhiều “điểm nóng xung đột”, gây mất ổn định chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ hình thành các điểm nóng trong nước, các đối tượng kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình nội bộ của Việt Nam và làm suy giảm uy tín của Việt Nam với quốc tế.

Sự thật không thể bị bóp méo

Ngày 22/6/2023, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức thảo luận và thông qua văn kiện rà soát lần thứ 8 việc thực hiện chiến lược chống khủng bố của LHQ. Nghị quyết tái khẳng định chiến lược cùng 4 trụ cột, tầm quan trọng của việc thực hiện cân bằng và kết hợp tất cả trụ cột. Tham dự và phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ đánh giá: Chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định, việc thông qua văn kiện bằng đồng thuận thể hiện thông điệp thống nhất và mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế không chấp nhận chủ nghĩa khủng bố dưới bất cứ hình thức nào. Đối với vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6/2023, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, đây là hành vi khủng bố có tổ chức nhằm vào trụ sở cơ quan nhà nước, cán bộ và dân thường. Ông khẳng định, các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc đứng sau sẽ bị xử lý tương xứng với mức độ vi phạm. Đồng thời tái khẳng định lập trường của Việt Nam phù hợp với các văn kiện của LHQ liên quan, lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, do bất kỳ ai thực hiện, ở đâu và vì bất kỳ mục đích gì.

Trước đó, ngày 20/6/2023, tại Hội nghị cấp cao của những người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của các quốc gia thành viên LHQ, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an đã có bài phát biểu nêu rõ bốn nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam. Tại hội nghị này, đại diện Bộ Công an đã khẳng định hành động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk là tội phạm khủng bố có tổ chức.

Ngày 2/10/2023, Ủy ban pháp lý (Ủy ban 6) của Đại hội đồng LHQ khóa 78 đã khai mạc và tiến hành thảo luận nội dung các biện pháp để loại trừ chủ nghĩa khủng bố quốc tế với sự tham dự, phát biểu của các nước thành viên và các tổ chức quốc tế, khu vực. Tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận, tham tán công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết lên án khủng bố dưới bất kỳ hình thức và với động cơ nào. Việt Nam ủng hộ các biện pháp chống khủng bố phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, các nghĩa vụ theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế. Vụ tấn công khủng bố xảy ra tại xã Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk tháng 6/2023, đại diện Việt Nam cám ơn các đối tác đã lên án vụ tấn công và nhân dịp này, đề nghị các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan tiếp tục hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong điều tra, xét xử số đối tượng còn đang lẩn trốn.

Vì vậy, phiên toà xét xử 100 bị cáo trong vụ tấn công khủng bố ở Đắk Lắk ngày 11/6/2023 là tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, các nghĩa vụ theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế. Đồng thời trong quá trình điều tra vụ án, Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan trong hoạt động phòng, chống khủng bố. Đến nay, các đối tượng đều đã ăn năn, hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, thừa nhận do thiếu hiểu biết hoặc do bị đe doạ nên đã tham gia hoạt động phạm tội. Các đối tượng xin được Đảng, Nhà nước xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt. Kết quả điều tra đã làm rõ được toàn bộ diễn biến sự việc và tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các đối tượng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện khách quan, công bằng, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bản chất của chiêu trò chính trị hóa vụ án hình sự phiên toà xét xử vụ án cho thấy rõ ý đồ đánh tráo bản chất nhằm chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Người dân cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không ngộ nhận trước chiêu trò ấy, không tin vào luận điệu xuyên tạc, suy diễn, quy chụp của những phần tử cực đoan, cơ hội chính trị; không tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.