Thừa ủy quyền của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, ông Đặng Tiến Hùng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 chủ trì Hội nghị. Bà Chu Thị Ngọc Diệp, Trưởng Ban Dân tộc và ông Vũ Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc; các sở, ban, ngành, huyện thị, xã của tỉnh Hà Giang.
Theo báo cáo của tỉnh Hà Giang, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, Chương trình MTQG 1719 đã huy động và phát huy được vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Đến nay, bộ mặt vùng đồng bào DTTS có nhiều đổi mới tích cực, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, kinh tế phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng. Công tác y tế, giáo dục và đào tạo được quan tâm và đầu tư xây dựng; cơ sở vật chất các trường học cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập; trạm y tế xã thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Bên cạnh việc bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc, đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều tác động tích cực đến kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Việc triển khai thực hiện Chương trình đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục tăng trưởng.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được tập trung thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Cán bộ, đảng viên và người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và tích cực, chủ động tham gia thực hiện Chương trình ở địa phương bằng những hoạt động cụ thể và thiết thực, đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Với những kết quả đạt được, tỉnh đã và đang tiếp tục tập trung thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đến năm 2025.
Chương trình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, giảm bình quân trên 4%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, ước năm 2025 đạt 43,0 triệu đồng, tăng 44,2% so với năm 2020.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình vẫn còn hạn chế, tổn tại. Tiến độ triển khai chương trình còn chậm, chưa đồng bộ, chưa đạt hiệu quả rõ nét, tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là đối với nguồn kinh phí sự nghiệp. Công tác theo dõi, tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện chương trình còn hạn chế, chất lượng thông tin báo cáo đôi khi chưa kịp thời phản ánh những bất cập, khó khăn ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành chung.
Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Hà Giang kiến nghị bộ, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu cho Thủ tướng chính phủ tích hợp 03 Chương trình MTQG để gộp thành 01 Chương trình MTQG, trong đó chi ra các dự án thành phần tương ứng với địa bàn, đối tượng thụ hưởng Chương trình giai đoạn 2026-2030. Xem xét, mở rộng đối tượng, địa bàn, thời gian đối với nội dung hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình.
Tỉnh Hà Giang đề nghị tiếp tục triển khai Chương trình MTQG 1719, giai đoạn II: từ năm 2026 đến năm 2030. Để xác định cụ thể từng mục tiêu, nhiệm vụ và nhu cầu kinh phí thực hiện Chương giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030, tỉnh đề nghị cơ quan, ban ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện rà soát, xây dựng nhu cầu cụ thể. Nghiên cứu, tổng hợp từ đề xuất của các địa phương, vùng miền để ban hành các văn bản phù hợp tình hình, điều kiện thực tế trong đoạn 2026-2030.
Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu của Chương trình; nâng cao trách nhiệm vào sự phối hợp của các ngành, đoàn thể. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo đối với cơ quan quản lý nhà nước về Chương trình MTQG 1719 và các cơ quan quản lý Chương trình MTQG 1719. Xác định rõ nhiệm vụ của Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG 1719 theo hướng thống nhất đầu mối quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình.
Tăng cường hơn nữa sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719. Ban hành cơ chế phân cấp để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả trong việc triển khai chương trình, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thiết lập hệ thống phần mềm báo cáo, kiểm tra, giám sát từ Trung ương tới cơ sở để thuận tiện cho công tác cập nhật số liệu thực hiện chế độ giám sát, báo cáo kịp thời trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng và giải pháp việc phân cấp ban hành các văn bản quản lý, điều hành; mô hình quản lý, chỉ đạo phối hợp trong triển khai tại địa phương; cơ chế lập, phân bổ, giao vốn và huy động, lồng ghép vốn trong triển khai Chương trình. Cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng; cơ chế quản lý và thực hiện các dự án phát triển sản xuất. Thảo luận về việc hỗ trợ trực tiếp người dân về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề. Triển khai các hoạt động y tế, giáo dục trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Những vấn đề cần đổi mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đánh giá hiệu quả và vai trò của các cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án trong triển khai công tác giám sát, đánh giá…
Kết luận Hội nghị, ông Đặng Tiến Hùng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 ghi nhận những ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu; đồng thời giải đáp các nội dung đề xuất, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương. Ông Đặng Tiến Hùng đánh giá, tỉnh Hà Giang đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện Chương trình. Về những khó khăn, vướng mắc, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tháo gỡ theo thẩm quyền, đẩy nhanh tiến độ giải ngân Chương trình. Về phía Trung ương, Ủy ban Dân tộc ghi nhận những ý kiến đóng góp, tiếp tục tham mưu, đề xuất sửa đổi các nội dung thực hiện sát thực tiễn hơn.
Trước đó, đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc đã đi thực tế, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn hai xã Minh Tân và Thuận Hòa – đây là hai xã khó khăn của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dài 277,5 km. Diện tích tự nhiên 7.929,48 km2, toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính gồm 10 huyện, 01 thành phố với 192/193 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN. (Trong đó 127 xã khu vực III, 2 xã khu vực II, 64 xã khu vực I), tổng số thôn bản 2.071 thôn bản (1.353 thôn ĐBKK). Có 34 xã, thị trấn biên giới, 123 thôn, bản biên giới. Toàn tỉnh có trên 90 vạn người, với 19 dân tộc cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm 87,7%. Trong đó: dân tộc Mông chiếm 34,4%, Tày chiếm 22,5%, Dao chiếm 14,8%, Kinh chiếm 12,3%, Nùng chiếm 9,5%, còn lại là các dân tộc khác; có 03 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn gồm: Phù Lá, La Chí, Mông và 05 dân tộc còn có khó khăn đặc thù (số dân dưới 10.000 người) gồm: Pu Péo, Bố Y, Cờ Lao, Lô Lô, Pà Thẻn.