Từ an cư, lập nghiệp...
Một trong những dự án triển khai phát huy hiệu quả, phải kể đến Dự án 1, với 4 nội dung quan trọng dành cho hộ nghèo có khó khăn, thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Cả 4 nội dung này đều liên quan trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của mỗi người dân. Thế nên, khi có những đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), thì đã có những thay đổi rõ rệt, tác động tích cực đến mỗi người dân.
Là một hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở, anh Cụt Văn Chờ, dân tộc Khơ mú ở bản Na Nhù, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn rưng rưng: Yên tâm lắm rồi. Được cấp trên hỗ trợ tiền làm nhà, gia đình rất vui. Hai vợ chồng cũng đã bàn nhau cố gắng làm ăn để mong thoát cái nghèo, đuổi cái khổ đi.
Vợ chồng anh Chờ là hộ nghèo của bản. Cuộc sống miền sơn cước vất vả, thiếu thốn; dù quanh năm, vợ chồng anh ngược núi bám rẫy. Có nhà mới để an cư, đang là phép nhân để tiếp thêm động lực cho đôi vợ chồng trẻ này đẩy đuổi đói nghèo.
Tại huyện Tương Dương, lũy kế từ 2022-2024 đã được bố trí hơn 43 tỷ đồng để thực hiện Dự án 1. Theo đó, đã có 10 hộ ở xã Lượng Minh được hỗ trợ đất ở; 133 hộ dân trên toàn huyện được hỗ trợ nhà ở; năm 2022 và 2023 có 510 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề còn năm 2024 đang thực hiện các bước để hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 985 hộ; đầu tư xây dựng 4 công trình nước tập trung và hỗ trợ 567 hộ gia đình nước sinh hoạt phân tán trong hai năm 2022-2023, riêng năm 2024 đã phê duyệt danh sách 1.210 hộ được thụ hưởng.
Qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn toàn tỉnh, Dự án 1 đã thực hiện được nhiều phần việc quan trọng, giúp người dân an cư, lập nghiệp. Tính đến nay, đã thực hiện xong hỗ trợ đất ở đối với 31 hộ cả giai đoạn, đạt 100% kế hoạch; thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với 580/632 hộ kế hoạch cả giai đoạn, đạt 91,8% kế hoạch.
Các địa phương đã và đang triển khai rà soát phê duyệt đối tượng thực hiện hỗ trợ đất sản xuất đối với 725 hộ tại 4 huyện (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong), đồng thời hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với 1.878 hộ. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 34/46 công trình nước sinh hoạt tập trung, đạt 73,9% kế hoạch cả giai đoạn; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đối với 7.661 hộ.
Trong rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, thì khó khăn về nhà ở là một vấn đề lớn đối với hộ nghèo vùng DTTS. Cuộc sống thường ngày vất vả, luôn trong cảnh “giật gấu vá vai”… cộng thêm với việc thiếu một chỗ ở chắc chắn, một chốn an cư đúng nghĩa… càng kéo số phận bao người nghèo thêm khổ. Những con số sơ bộ từ việc thực hiện Dự án 1, rõ ràng đang tạo nên một động lực và niềm tin mới cho những hộ nghèo vùng DTTS trên hành trình an cư, ổn định cuộc sống để lập nghiệp.
… đến nâng cao dân trí
Nâng cao dân trí là vấn đề luôn được Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, nội dung này cũng đang được chú ý. Theo đó, trong những giải pháp và nỗ lực nâng cao dân trí cho người dân vùng DTTS&MN, Chương trình MTQG 1719 đã thiết kế nhiều nội dung quan trọng nhằm nâng cao dân trí cho các tầng lớp Nhân dân trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cụ thể đã có hàng ngàn lượt người dân được tham gia thực hiện nội dung bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng (Dự án 5); chính sách bình đẳng giới (Dự án 8); chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Tiểu dự án 2, Dự án 9), chính sách đối với người có uy tín (Tiểu dự án 1, Dự án 10)…
Nhìn từ Dự án 5, từ khi triển khai Chương trình MTQG 1719 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị 19 trường PTDTBT, trường phổ thông có HSBT và 6 trường PTDTNT, mở 1 lớp xóa mù chữ cho 20 người dân vùng đồng bào DTTS&MN tại huyện Tương Dương.
Tiến hành bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với 4.113 người; tổ chức 175 lớp hỗ trợ đào tạo nghề với 5.572 người tham gia; tổ chức 6 ngày hội/phiên/hội nghị để tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài với khoảng 3.500 người tham gia; tổ chức 53 lớp với 4.685 người tham gia đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình MTQG 1719 ở các cấp gắn với triển khai 3 đoàn, với 131 người đi học tập kinh nghiệm.
Chính sách về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em theo Dự án 8, toàn tỉnh cũng đã tổ chức 46 hoạt động tuyên truyền, vận động tới 2.635 người về thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng và nhân rộng 3 mô hình với 165 người tham gia thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; tổ chức 5 lớp với 325 người tham gia trang bị kiến thức về bình đẳng giới…
Một trong những cơ quan tham gia triển khai Dự án 8, chị Hoàng Thị Thanh Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Nghệ An chia sẻ: Kết quả thực hiện Dự án 8 đã góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Các hoạt động của Dự án 8 đã tác động đến nhận thức, thay đổi tư duy của hội viên và người dân, từ đó đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi được cải thiện, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho từng địa phương được hưởng lợi và được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.