Đang Mường,hiện thân của văn hóaKhi nghe hát Đang Mường, người ta có cảm giác như được đắm mình trong bản tình ca bất tận bởi dòng chảy của những lời thoại, ca từ đa dạng, phong phú. Hát Đang có mấy thể loại chính: Hát Đang truyền thống, hay còn gọi Đang Vần Va, một số nơi gọi là Đang nếp, nói về các sự tích, truyền thuyết, trường ca, các truyện dân gian, và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dòng tộc; hát Đang Tồn (hát Đang xã giao, thăm hỏi hay ôn nghèo, kể khổ, chối khéo một điều gì); hát Đang cách mạng (ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, con người, cuộc sống đổi mới).
Đặc biệt, dân tộc Mường còn có hát Đang đối đáp giao duyên (hát Đang ngỏ lời tình yêu đôi lứa, đối đáp giao duyên trong lễ hội hoặc hát đối khi gặp lại “tình xưa, nghĩa cũ”), tạo thành những cuộc đấu trí lành mạnh với những lời hay ý đẹp, tạo nên bầu không khí tìm hiểu lẫn nhau rất ý nhị mà khoáng đạt như vốn sống của đồng bào Mường.
Người giỏi hát Đang khi thể hiện rất khéo chọn những câu văn có vần, những từ “có cánh” để chuyển tải nỗi niềm, xúc cảm trong tình yêu đôi lứa, trong quan hệ cộng đồng xã hội. Mỗi lời Đang, đều chứa đựng những nét giá trị văn hoá truyền thống lâu đời của đồng bào Mường được hình thành, lưu giữ, bảo tồn và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, khát vọng vươn tới cái đẹp trong cuộc sống tương lai.
Nghe hát Đang, con người cảm thấy như bị lôi cuốn bởi sự thu hút kỳ lạ của từng lời, từng ý, từng câu, từng giai điệu trong lối văn hoá ứng xử ngọt ngào. Nghe hát Đang trong môi trường không gian tĩnh lặng đêm khuya, hay nơi bến nước con đò thấy lòng mình xốn xang, trộn rộn: “Yêu nhau/Yêu nhau yêu trọn thủy chung, đừng như con thuyền trôi giữa dòng sông/Dù có đi xa cách sông, cách núi, nơi quê nhà em vẫn đợi chờ anh...”.
Hát Đang, thông thường là hát tập thể, về sau chọn ra những cặp tài tử để hát đối kháng. Đây được coi là cuộc đấu trí thực sự để chọn ra những đôi trai tài, gái sắc, ứng xử đối đáp thông minh, dí dỏm, hiểu biết văn hoá sâu rộng. Và không ít cặp đã nên duyên chồng, vợ…
Nguy cơ mai mộtHiện nay đang Mường đang có chiều hướng bị mai một dần. Về các bản làng đồng bào Mường, hỏi đến người biết và hát Đang Mường hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà phần lớn đều là tầng lớp cao niên, còn thế hệ trẻ thì hầu hết đều “mù tịt” về Đang Mường.
Em Đinh Thị Hương, học sinh Trường THPT Gia Phù, huyện Phù Yên, cho biết: “Là người Mường nhưng từ ngày lớn lên đi học đến nay, chưa thấy bố mẹ truyền dạy Đang Mường cho con, cháu học. Lắm lúc có dịp đi giao lưu với các địa phương khác, nhiều người đề nghị hát Đang Mường, nhưng chúng em đều đùn đẩy nhau, hóa ra chẳng có bạn nào biết hát Đang cả”.
Anh Đinh Quang Chưởng, nghệ nhân Ưu tú hát Đang ở Đá Đỏ (Phù Yên) có giọng ca truyền cảm, ngọt ngào, phải thốt lên rằng: “Trước đây, trong các dịp lễ tết, đám cưới hỏi của người Mường, nhờ có hát Đang mà không khí buổi lễ trở nên phấn khởi, vui nhộn và lành mạnh hơn trong văn hoá ứng xử nơi tiệc tùng, lễ hội. Còn hiện nay, bọn trẻ mải chạy theo trào lưu âm nhạc mới, giật gân, gào thét nhiều hơn là hát. Nếu không có định hướng cụ thể, chắc chắn văn hóa hát Đang của người Mường sẽ sớm muộn bị mai một và mất đi…”.
Để Đang Mường tiếp tục được bảo tồn, phát triển, ngoài việc sưu tầm, lưu giữ, rất cần có chính sách khuyến khích thế hệ trẻ học hát Đang, hát những làn điệu dân ca dân tộc mình. Đồng thời, cần phải dành một khoản kinh phí nhất định đầu tư cho văn hóa để mở thêm các lớp tập huấn, truyền dạy các làn điệu dân ca của dân tộc Mường.
Ông Đinh Văn Cung (tổ 9, phường Tô Hiệu) cho rằng: “Chính quyền cơ sở cũng nên vào cuộc, tổ chức cho thế hệ trẻ thi hát Đang thường xuyên, qua đó chọn ra những tác phẩm hay, có ý nghĩa để bảo tồn, coi đó là di sản của dân tộc Mường để có chính sách, chiến lược gìn giữ”.
ANH ĐỨC