Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Ba Na có gần 300 nghìn người, sinh sống trải rộng trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, miền Tây của tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Đồng bào Ba Na có nhiều tên gọi khác nhau theo địa bàn cư trú hay phong tục tập quán mỗi vùng như Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông... Các nhóm địa phương: Rơ Ngao, Rơ Lơng (hay Y Lăng),Tơ Lô, Gơ Lar Krem. Tiếng Ba Na thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer (thuộc Ngữ hệ Nam Á).
Ở mỗi làng có một nhà công cộng là nhà rông to, đẹp được xây dựng ở giữa làng. Đây được coi là trụ sở của làng, nơi các già làng họp bàn việc công, nơi dân làng hội họp, nơi tiến hành các nghi lễ theo phong tục của cộng đồng và cũng là nơi tiếp khách vào làng.
Người Ba Na sống ở nhà sàn. Trước đây khi chế độ gia đình lớn còn thịnh hành, ở vùng người Ba Na sinh sống thường có những căn nhà dài hàng trăm mét; tuy nhiên hiện nay chế độ gia đình lớn không còn nữa, mô hình các gia đình nhỏ với những căn nhà sàn gọn gàng xuất hiện ngày càng nhiều, phổ biến. Nhà sàn thường dài từ 7m đến 15m, rộng từ 3m-4m, cao từ 4m-5m, sàn cách mặt đất khoảng 1m đến 1,5m. Những hình thức trang trí sinh động trên nhà rông và đặc biệt những tượng nhà mồ v.v... mộc mạc, đơn sơ, nhưng tinh tế và sinh động như cuộc sống của người Ba Na.
Trang phục người Ba Na có nhiều nét độc đáo. Nam giới Ba Na mặc áo chui đầu, cổ xẻ. Đây là loại áo cộc tay, thân áo có đường trang trí sọc đỏ chạy ngang, gấu áo màu trắng. Nam mang khố hình chữ T theo lối quấn ngang dưới bụng, luồn qua háng rồi che một phần mông. Ngày rét, nam giới Ba Na mang theo tấm choàng. Trong dịp lễ bỏ mả, nam giới thường búi tóc sau gáy và cắm một lông chim công, tay mang vòng đồng.
Phụ nữ mặc áo chui đầu, không xẻ cổ kết hợp với váy. Váy của phụ nữa Ba Na không được may lại mà nó chỉ là một tấm vải đen được quấn quanh thân dưới.
Phụ nữ Ba Na ưa để tóc ngang vai, có khi búi và cài lược hoặc trâm bằng đồng, thiếc. Có nhóm không chít khăn mà chỉ quấn bằng chiếc dây vải hay vòng cườm. Nhóm địa phương ở An Khê, Mang Yang (Gia Lai) hoặc một số nơi khác họ chít khăn trùm kín đầu, khăn chàm quấn gọn trên đầu. Trước đây, họ đội nón hình vuông hoặc tròn trên có thoa sáp ong để khỏi ngấm nước, đôi khi có áo tơi vừa mặc vừa che đầu.
Bên cạnh đó, với người Ba na, các phụ kiện là một phần không thể thiếu để tô điểm cho các bộ trang phục. Phụ nữ thường đeo chuỗi hạt cườm ở cổ và vòng tay bằng đồng xoắn ốc dài từ cổ đến khủy tay (theo kiểu hình nón cụt). Nhẫn được dùng phổ biến và thường được đeo ở hai, ba ngón tay.
Người Ba Na sinh sống từ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là canh tác nương rẫy. Cùng với trồng trọt, từng gia đình thường có nuôi gia cầm, gia súc như trâu, bò, dê, lợn, gà.
Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na có từ lâu đời. Các sản phẩm từ thổ cẩm được trang trí bởi những hoa văn tinh tế, đa dạng sản phẩm như: Váy - áo của phụ nữ, khăn, tấm choàng để địu con, áo - khố của đàn ông. Ngoài ra, nghề đan lát, nghệ thuật chạm khắc gỗ cũng rất phát triển.
Tục hôn nhân của người Ba Na cho phép nam nữ tự do tìm hiểu nhau, việc cưới xin đều theo nếp cổ truyền. Vợ chồng trẻ ở luân phiên mỗi bên một thời gian theo thỏa thuận giữa 2 gia đình. Sau khi sinh con đầu lòng thì dọn nhà riêng.
Trong kho tàng văn nghệ dân gian người Ba Na có những làn điệu dân ca, điệu múa độc đáo trong các ngày hội, nghi lễ tôn giáo và bộ nhạc cụ đa dạng như những bộ cồng chiêng có kết cấu khác nhau: đàn t’rưng, klông pút, kơni; kèn: tơ nốt, arơng, tơ tiếp...
Hiện nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đồng bào Ba Na đã từng bước loại bỏ những luật tục lạc hậu như tục cà răng căng tai, phạt vạ …Đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo…từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.