Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Dân làng Mit Jep có nghề "may áo" cho chiêng

Thuỳ Dung - 09:40, 08/07/2022

“Giữ gìn, bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một trong những cách giữ gìn hồn thiêng dân tộc và đây cũng là trách nhiệm của những người con Gia Rai được sinh ra và lớn lên ở làng Mit Jep”, già làng Rơ Châm Hyai (làng Mit Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) khẳng định.

Già làng Rơ Châm Hyai, Người có uy tín của làng Mit Jep là một trong những người có công bảo tồn và lưu giữ phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng của làng Mit Jep
Già làng Rơ Châm Hyai, Người có uy tín của làng Mit Jep là một trong những người có công bảo tồn và lưu giữ phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng của làng Mit Jep

"May áo" cho chiêng

Đối với người Gia Rai ở xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cồng chiêng là một nét văn hóa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần. Vì vậy, bao năm qua, đồng bào Gia Rai nơi đây vẫn miệt mài tìm cách lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của cồng chiêng. Già Rơ Châm Hyai, Người có uy tín ở làng Mit Jep chia sẻ: Cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người dân ở làng Mit Jep. Người Gia Rai từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi về với ông bà đều có sự góp mặt của cồng chiêng. Chiêng đại diện cho tiếng nói, tâm tư của người làng đến với thần linh, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ.

Cũng bởi từ tình yêu chiêng, tin vào sự gắn kết giữa con người với các đấng thần linh và được truyền lửa cồng chiêng từ bao đời nay nên người làng Mit Jep ai ai cũng phấn đấu làm ăn để có tiền mua chiêng làm của để dành cho con cái trong nhà. “Ngày trước nhìn vào một ngôi làng hay một gia đình nào đó là biết được sự giàu có của họ. Nhà sung túc là phải nhiều trâu, nhiều bò nhiều lúa thóc và đặc biệt là nhiều cồng chiêng. Toàn làng mình hiện nay có 47 bộ chiêng, trong đó có 28 bộ chiêng quý lên tới hàng trăm triệu đồng.”, già Hyai cho biết thêm.

Già Rơ Châm Hyai (bên trái) và Ksor Huyên đang đan áo cho chiêng
Già Rơ Châm Hyai (bên trái) và Ksor Huyên đang đan áo cho chiêng

Ngoài việc bảo tồn cồng chiêng trong gia đình, cộng đồng, từ nghề đan lát truyền thống người làng Mit Jep còn phát triển nghề may áo cho chiêng để bảo vệ chiêng tránh sự va chạm. Già Ksor Huyên một trong những người có nhiều kinh nghiệm may áo cho chiêng của làng Mit Jep cho biết: Từ những nguồn nguyên liệu như tre, nứa, mây và từ kỹ năng đan lát truyền thống, người làng đã biến hóa, sáng tạo thành nghề may túi đựng chiêng, người làng hay gọi là áo chiêng. Một chiếc áo chiêng có giá trị từ 1.500.000- 1.600.000 triệu đồng tùy vào kích cỡ”, già Ksor Huyên cho biết thêm.

Nghề may áo cho chiêng đòi hỏi người nghệ nhân phải tập trung, tỉ mỉ. Tùy vào sự sáng tạo, sự khéo léo của người nghệ nhân mà mỗi chiếc áo chiêng mang mỗi vẻ đẹp khác nhau. Cứ đến mùa giáp tết, khi thóc đã nằm im trong kho, những người nghệ nhân lại đi chặt tre, tìm phên, nứa,… về để làm áo chiêng phục vụ cho những gia đình có nhu cầu. Ngoài ra, áo chiêng của làng Mit Jep cũng được đông đảo những người con yêu chiêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum tìm mua.

Cộng đồng cùng bảo vệ vốn quý

Cũng từ tình yêu với cồng chiêng nên bao đời nay người làng Mit Jep luôn tìm cách gìn giữ cồng chiêng thông qua truyền dạy. Đến nay hầu hết người làng Mit Jep ai ai cũng biết đánh chiêng, múa xoang và cảm nhận được những ý nghĩa và âm nhạc cồng chiêng mang lại.

Được nuôi dưỡng từ tiếng chiêng từ nhỏ nên thanh niên, trai gái ở xã Ia O ai ai cũng biết đánh chiêng, múa xoang truyền thống
Được nuôi dưỡng từ tiếng chiêng từ nhỏ nên thanh niên, trai gái ở xã Ia O ai ai cũng biết đánh chiêng, múa xoang truyền thống

Anh Ksor Bư, đội trưởng đội cồng chiêng làng Mit Jep chia sẻ với chúng tôi: Với vai trò là đội trưởng đội cồng chiêng, tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác gìn giữ và bảo tồn các nét đẹp văn hóa của dân tộc. Với chúng tôi cồng chiêng là cái hồn cốt của người Tây Nguyên và là gốc rễ, cội nguồn. Vì vậy, cùng với các già làng, tôi luôn tìm cách tuyên truyền, vận động dân làng giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, để tiếng chiêng vang mãi nơi miền biên giới Ia O.

“Người xưa đã có công sáng tạo ra những vẻ đẹp văn hóa mang tính cộng đồng như cồng chiêng nên ngàn đời nay người làng rất trân trọng và gìn giữ qua bao thế hệ. Âm nhạc cồng chiêng như mạch nguồn chảy mãi, vang vọng khắp núi rừng và gắn kết người với người”, anh Ksor Bư cho biết thêm.

Để chiêu đãi chúng tôi âm thanh đại ngàn ở vùng biên ải, anh Ksor Bư nhanh chóng tập hợp đội chiêng, xoang của làng Mit Jep lại để biểu diễn. Những tiếng chiêng đầu tiên đầu tiên bắt đầu vang lên. Chúng tôi nhấp một ngụm rượu cần, rồi cùng người làng chìm trong tiếng cồng chiêng, điệu xoang uyển chuyển của những cô sơn nữ vùng sơn cước giữa màn đêm hư ảo.

Thanh niên ở xã Ia O trình diễn đánh chiêng
Thanh niên ở xã Ia O trình diễn đánh chiêng

Trong hân hoan và hương men rượu cần nồng nàn, già làng Hyai chia sẻ: “Giá trị của cồng chiêng mãi vẹn nguyên trong trái tim của những người con của làng Mit Jep. Vì vậy, người làng Mit Jep luôn tìm cách để giữ gìn, bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, một kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại bằng cách truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ trong làng, tham gia các hoạt động văn hóa do chính quyền tổ chức. Từ đó, đưa chiêng đến gần hơn với các dân tộc khác trên địa bàn và bồi đắp thêm tình yêu văn hóa cho người dân làng”.

Ông Ksor Tuâng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O cho biết: Toàn xã Ia O có 349 bộ chiêng, trong đó có 153 bộ chiêng quý và 9 đội chiêng. Thời gian qua, nhằm phát huy tối đa các giá trị văn hóa của người đồng bào Jrai, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể nhân dân đặc biệt là trong việc truyền dạy cồng chiêng, giữ nghề đan áo cho chiêng và giữ gìn cồng chiêng trong gia đình.

“Để giúp người dân có thêm động lực giữ gìn văn hóa, xã Ia O cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động văn hóa gắn với cồng chiêng, đưa đội cồng chiêng đi tham gia các hoạt động văn hóa do tỉnh, huyện tổ chức. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền và quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn cồng chiêng trên địa bàn xã. Từ đó tạo tiền đề để phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống, giúp người dân có thêm thu nhập để vừa bảo tồn văn hóa vừa phát triển kinh tế”, ông Ksor Tuâng cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.