Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong Đại lễ Phật Đản

Hồng Diễm - 18:33, 26/05/2021

Năm nay là năm thứ hai, Đại lễ Phật Đản diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp. Vì thế, quy mô, cách thức tổ chức đại lễ ở TP. Cần Thơ đã có những thay đổi để phật tử vừa có thể tỏ lòng thành kính với đức Phật, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh an toàn.

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ thăm và tặng quà tại Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP. Cần Thơ
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ thăm và tặng quà tại Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP. Cần Thơ

Theo thông lệ hằng năm, vào ngày Đại lễ Phật Đản, người dân đến chùa lễ phật. Tuy nhiên, năm nay không khí ở các chùa ở TP. Cần Thơ khá trầm lắng; bởi người dân, phật tử được khuyến khích tự lễ phật tại nhà, hoặc nếu đến chùa phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Tại một số chùa trên địa bàn TP. Cần Thơ, như: chùa Khánh Quang, Tịnh xá Ngọc Minh, chùa Bửu Trì, Thiền viện Trúc Lâm phương Nam Cần Thơ,… số lượng người đến lễ phật cũng giảm rất nhiều so với lễ Phật Đản những năm trước. 

Chị Đặng Thị Diễm Mi, ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết: “Phật tử đến chùa đều được các sư thầy nhắc nhở mang khẩu trang và giữ khoảng cách. Tôi cũng tuân thủ các biện pháp để đảm bảo an toàn cho mình và người thân mỗi khi đến nơi thờ tự đông người. Vì lý do chính đáng bảo vệ cho gia đình, cộng đồng, thì tu tại tâm cũng quý, không nhất thiết phải đến chùa trong bối cảnh đại dịch nguy hiểm này”.

Còn chị Huỳnh Thị Diễm Hương, ở huyện Phong Điền, chia sẻ: “Tôi quan niệm đi chùa là để cầu bình an, để tâm thanh thản, nếu tình hình dịch bệnh không ổn, mình làm lễ ở nhà cũng là để bình an và lại còn an toàn ”.

Đại lễ Phật Đản được xem là nghi lễ lớn nhất của Phật giáo. Hằng năm vào ngày 15/4 (âm lịch), Lễ Phật Đản luôn được tổ chức với quy mô lớn, mỗi năm có hàng nghìn tín đồ phật giáo tham gia. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có hướng dẫn Giáo hội các cấp tổ chức Đại lễ Phật đản 2021 phải bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch. Các vị chức sắc, chư tôn, giáo phẩm sẽ gương mẫu và động viên tăng ni, Phật tử cùng thực hiện trách nhiệm công dân, tuân thủ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh trong tổ chức Đại lễ Phật đản

Theo đó,  Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP. Cần Thơ yêu cầu các cấp hội, tổ chức quy mô nhỏ, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid – 19.

 Nghi thức tắm phật tại Đại lễ Phật Đản
Nghi thức tắm phật tại Đại lễ Phật Đản

Thượng Tọa Lý Hùng, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi TP. Cần Thơ, Trụ trì chùa Puti Khô Sa Răngsây cho biết: Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên việc tổ chức Đại lễ giảm về quy mô, thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, tại các quận huyện chỉ trang trí lễ đài thôi không tổ chức hành chánh. Cả thành phố chỉ tổ chức 1 điểm tại Thiền viện Trúc Lâm phương Nam.

Tuy nhiên, các thành phần tham dự Đại lễ lần này phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đeo khẩu trang, sát khuẩn, khoảng cách, như Bộ Y tế khuyến cáo. Quan trọng nhất trong Đại lễ lần này, là vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng dịch, vừa để phật tử cầu an lạc trong mùa dịch.

Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ, dù không thể làm lễ lớn như mọi năm, nhưng Thành phố cũng tổ chức nhiều đoàn đến chúc mừng, thăm hỏi, động viên các vị sư sãi, tăng, ni tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn TP. Cần Thơ. Những hoạt động này nhằm thể hiện sự quan tâm của địa phương đến các tổ chức tôn giáo.

Phó Bí thư Thành ủy mong muốn, thời gian tới, với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, “Đồng hành cùng dân tộc”, các vị chức sắc tôn giáo, hòa thượng, thượng tọa, đại đức, chủ trì các cơ sở thờ tự, chư tăng phật tử tiếp tục vận động nhân dân, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội, góp phần cùng với thành phố Cần Thơ và cả nước thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19.

(Nội dung thông tin tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.