Theo thông báo mới nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, chiều ngày 15/11, bão số 13 đã đi vào đất liền Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế với sức gió mạnh nhất cấp 8, 9, giật cấp 11. Sau đó suy yếu thành ANTĐ và tan dần nhưng vẫn gây mưa lớn cho nhiều địa phương.
Theo đó, lượng mưa ở các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Đà Nẵng lên tới 100-200mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Kỳ Thịnh (Hà Tĩnh) 180mm, Hồ chứa Kim Sơn (Hà Tĩnh) 202mm, Vạn Trạch (Quảng Bình) 260mm, Đồng Hới (Quảng Bình) 173mm, Hải An (Quảng Trị) 168mm, Lộc Tiến (Thừa Thiên Huế) 135mm.
Các hồ khu vực Bắc Trung Bộ cơ bản tích đủ nước. Dung tích trữ trung bình: Thanh Hóa 91%, Nghệ An 82%, Hà Tĩnh 88%, Quảng Bình 89%, Quảng Trị 95%, TT.Huế 90%. Các hồ đang xả (04 hồ): Vực Mấu 7 m3/s, Sông Sào xả 25 m3/s (Nghệ An), Phú Vinh xả 4 m3/s (Quảng Bình), Tả Trạch 313 m3/s (TT. Huế).
Khu vực Bắc Trung Bộ: Có 05 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s): Hủa Na: 28/240; Đakrông 1: 93/127; A Lưới: 8/51; Thượng Lộ: 98/118; A Roàng: 15/20. Khu vực Tây Nguyên: có 23 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn. Khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ: có 18 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.
Về thủy lợi: 540m kè bị hư hỏng; 38,95 km bờ sông, bờ biển tiếp tục bị sạt lở (Quảng Trị: 13,3km, TT.Huế: 25,65km).
Với nhiều diễn biến phức tạp, các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ sau bão; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, ổn định đời sống; kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất là các hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; tiếp tục tổ chức vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và chủ động cắt lũ cho hạ du...