Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong thời gian qua, UBND huyện Đăk Tô đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác giảm nghèo.
Bà Phạm Thị Hiền, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đăk Tô cho biết: Với sự chỉ đạo của UBND huyện, các cơ quan, đơn vị thuộc huyện đã thực hiện nhiều hoạt động truyền thông thiết thực, phù hợp với tình hình của địa phương, thông qua các phương tiện thông tin truyền thông và thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, các cuộc họp thôn đã tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, nội dung Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đến tất cả Nhân dân, đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn các xã, thôn. Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức 65 cuộc tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo với hơn 3.000 lượt người tham gia.
Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên gắn chức năng, nhiệm vụ tích cực tham gia thực hiện vận động thực hiện tốt phong trào thi đua “Huyện Đăk Tô cùng cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tự lực tự cường để vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ông A Chính - Già làng, Người có uy tín thôn Măng Rương, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô chia sẻ: Thôn có 170 hộ, gần 100% là đồng bào Xơ Đăng sinh sống. Để công tác giảm nghèo được triển khai có hiệu quả, tôi thường xuyên phối hợp với thôn trưởng, các đoàn thể tuyên truyền cho bà con thông qua các buổi họp thôn. Riêng đối các hộ nghèo, cận nghèo khi được Nhà nước hỗ trợ thì chúng tôi đến từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn để các hộ sử dụng nguồn hỗ trợ đúng mục đích, chăm lo phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.
Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở đã có những hướng dẫn cụ thể từ hình thức đến triển khai cụ thể các nhiệm vụ trong hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; hỗ trợ hộ đăng ký thoát nghèo…
Đồng thời, tuyên truyền nhân rộng các mô hình giảm nghèo từ việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa bàn theo kế hoạch và mục tiêu đã đề ra.
Ông A Hùng, Chủ tịch UBND xã Văn Lem, huyện Đăk Tô cho biết: Xã có 5 thôn, với hơn 97% dân số là đồng bào Xơ Đăng sinh sống. Cùng với việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, xã cũng tập trung phát huy vai trò của các đoàn thể của xã và già làng, Người có uy tín ở các thôn trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, nâng cao ý chí, nghị lực để vươn lên thoát nghèo. Qua công tác tuyên truyền, vận động thì việc triển khai công tác giảm nghèo trên địa bàn xã đã có những chuyển biến rõ nét.
Nhiều hộ đồng bào DTTS viết đơn xin thoát nghèo
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ năm 2021 đến nay, huyện Đăk Tô đã phê duyệt 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cho gần 500 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 06 tỷ đồng. Đồng thời, phê duyệt 27 dự án chăn nuôi bò sinh sản tại cộng đồng để hỗ trợ 165 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng kinh phí hơn 04 tỷ đồng; mở 38 lớp đào tạo nghề cho gần 1.300 lao động.
Cùng với việc triển khai hỗ trợ kịp thời và nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thiết thực đã tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện, cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động vượt khó, vươn lên của người nghèo và sử dụng có hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo.
Anh A Vớt, thôn 5, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô chia sẻ: Sau khi lập gia đình thì vợ chồng rất khó khăn, thu nhập không ổn định nên nghèo khó mãi. Năm 2022, huyện hỗ trợ 50 triệu đồng và gia đình thêm vào 20 triệu đồng làm được căn nhà kiên cố. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ gia đình 150 cây mắc ca, 1.000 cây dứa trồng với diện tích 3 sào. Gia đình trồng thêm 3 sào cà phê, 5 sào sắn. Thu nhập cũng tạm ổn định, năm 2023 vợ chồng bàn với nhau và tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Vợ chồng suy nghĩ mình còn trẻ, có sức khỏe thì nên nỗ lực lao động sản xuất, chứ nghèo mãi thì cũng thấy mắc cỡ.
Thôn 5, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô được xem là điểm sáng trong công tác giảm nghèo. Bởi riêng trong năm 2023, cả thôn có 40 hộ nghèo, cận nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Có được kết quả đó là nhờ chính quyền địa phương triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS và công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Bà Y H’Xuân, Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn 5, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô cho biết: Thôn có 403 hộ, 90% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Trong những năm qua, Chi bộ đã phân công cho các đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ và phối hợp với già làng, Người có uy tín, các đoàn thể thôn trường xuyên tuyên truyền, vận động để giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả.
Đến nay, bà con trong thôn đã trồng được 160ha cao su, hơn 60ha cà phê, hơn 43ha lúa nước và các hộ đã tích cực cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái, cây dứa trong vườn nhà để tăng thu nhập. Với sự hỗ trợ về mọi mặt nên đời sống bà con được nâng cao và nhiều hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS huyện Đăk Tô được nâng lên rõ rệt, kinh tế phát triển không ngừng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm hàng năm trên 3%/năm.
Bà Mai Trần Thanh Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Diên Bình, huyện Đăk Tô chia sẻ: Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nên các nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước dành cho hộ nghèo, cận nghèo đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, đồng bào DTTS đã thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi nhận thức và nhiều hộ đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Riêng trong năm 2023 toàn xã giảm được 43 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo.
Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Đăk Tô trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động. Qua đó, đã làm thay đổi nhận thức và hành động của đồng bào DTTS, tích cực phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng thắt chặt, lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền địa phương được giữ vững.