Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đăk Nông: Rừng thông bị bức tử - Cơ quan chức năng bó tay?!

Lê Hường - Quốc Phong - 16:53, 12/01/2021

Nhiều năm qua, rừng thông dọc quốc lộ 14 qua tỉnh Đăk Nông liên tục bị phá hoại. Cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông đã vào cuộc điều tra, xử lý nhiều cán bộ để mất rừng thông và yêu cầu trồng thông thay thế. Tuy nhiên, đến nay thông già vẫn bị đầu độc, thông non mới trồng vẫn bị phá hoại.

Rừng thông bị bức tử hằng ngày nhưng khó tìm ra kẻ phá hoại
Rừng thông bị bức tử hằng ngày nhưng khó tìm ra kẻ phá hoại

Thông già vẫn bị đầu độc, thông non bị đốn hạ

Trong một chuyến đi thực tế cuối tháng 12/2020, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng nghìn cây thông lâu năm dọc quốc lộ 14, đoạn qua tỉnh Đăk Nông bị đầu độc chết trắng. Cả cánh rừng phòng hộ bạt ngàn ngày nào, nay màu xanh chỉ còn tỉ lệ rất nhỏ.

Tại xã Trường Xuân, huyện Đăk Song, hàng chục cây thông lâu năm đang chết đứng, hàng chục cây khác cành lá cũng đang chuyển màu đỏ bắt đầu khô rụng vì bị rựa, rìu băm, vạt vỏ xung quanh gốc. Một người dân địa phương cho biết: tình trạng phá hoại cây thông đã diễn nhiều năm nay rồi, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Người ta phá rừng thông để lấn chiếm đất dọc quốc lộ 14 buôn bán, kinh doanh, trồng cây nông nghiệp…

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Đăk Nông, xã Trường Xuân đã từng nhiều lần trồng lại rừng thông thay thế tại các khu vực bị phá hoại. Tuy nhiên, cây mới chỉ bén rễ, xanh lá thì lại bị phá nên rừng thông non cũng không thể sống sót dưới tay dao, tay phát của kẻ xấu. 

Mới được trồng 1 - 2 năm nay, nhưng đám thông non gần khu vực Nhà máy chế biến hồ tiêu SAM Agritech, thuộc xã Trường Xuân, huyện Đăk Song bị phá hoại, chặt bỏ không thương tiếc. Hàng chục cây thông non bị chặt gốc nằm ngổn ngang, những cây lớn hơn cũng có dấu hiệu bị chặt phá, gọt  trước đó không lâu.

Nhiều người dân xã Đăk N’Drung, huyện Đăk Song cũng phản ánh một số lượng lớn thông non mới trồng 1 - 3 năm tại khu vực bon N’Jrang Lu bị nhổ gốc, chặt phá và đầu độc chết bất thường.

Ông Phạm Ngọc Khoa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Song cho biết: Đơn vị gửi báo cáo đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Nông, về tình trạng chặt phá rừng thông để có biện pháp xử lý. Đồng thời, thực hiện chỉ đảo của huyện phối hợp cùng các lực lượng liên quan tìm người chặt, cắt thông; kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng bức tử rừng thông, bảo vệ rừng cảnh quan dọc quốc lộ 14.

Tại huyện Đăk G’long, rừng thông dọc quốc lộ 28 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo thống kê của UBND huyện Đăk G’Long, đến nay huyện đã xác định được hơn 4.800 cây thông bị đầu độc, ken chết, nằm rải rác ở các xã Đăk Ha, Quảng Sơn, với diện tích hơn 41,7 ha.

Khó xác minh, xử lý đối tượng phá hoại rừng

Với những thủ đoạn bức tử rừng thông ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp và có sự móc nối giữa các đối tượng. Các đối tượng lợi dụng đêm tối, trời mưa hoặc những ngày lễ tết để thực hiện hành vi đẽo đục, khoan, đổ thuốc độc làm thông chết; sau đó dựng nhà trái phép hoặc trồng cây nông nghiệp, công nghiệp trên phần đất lấn chiếm.

Trước thực trạng rừng thông bị phá hoại không thương tiếc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đăk Nông đã chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi hủy hoại rừng thông. Tỉnh ủy Đăk Nông đã thành lập đoàn công tác, thực hiện kiểm tra các điểm nóng về phá hoại rừng thông.

Qua kiểm tra cho thấy, diện tích rừng phòng hộ bị phá, đầu độc nghiêm trọng nhất là đoạn chạy qua huyện Đăk Song và huyện Đăk G’Long. Đoàn công tác của Tỉnh ủy Đăk Nông kết luận, diện tích rừng thông tại huyện Đăk Song hiện còn gần 220 ha giảm gần một nửa so với khi giao về địa phương quản lý năm 2015. Cũng theo kết luận của Tỉnh ủy Đăk Nông, từ năm 2010-2019, diện tích rừng trên địa bàn hai xã Đăk Ha và Quảng Sơn, huyện Đăk G’long giảm gần 226ha, trong đó có gần 32 ha thông bị ken chết.

Tỉnh ủy Đăk Nông khẳng định, các địa phương đã buông lỏng quản lý, không cương quyết trong xử lý, cưỡng chế các trường hợp vi phạm nên số vụ phá rừng, hoặc khai thác rừng trái phép tăng cả về số vụ và diện tích. Kiên quyết kiểm tra, đo đếm xác định diện tích, số lượng và tích cực điều tra, tuy nhiên, phần lớn các vụ vi phạm pháp luật được phát hiện không xác định được đối tượng, số vụ được đưa ra để xử lý theo quy định của pháp luật rất ít.



Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.