Về phía tỉnh Đắk Nông, dự Hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam tỉnh và nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Theo Quyết định 1757/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông quy hoạch trong phạm vi bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.509,27 km2. Đơn vị hành chính gồm Tp. Gia Nghĩa; các huyện Đắk Mil, Đắk R’Lấp, Cư Jút, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song và Krông Nô.
Mục tiêu đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia; phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dựa vào lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 9,05%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 130 triệu đồng; tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 12 - 15%/năm; hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, riêng đồng bào DTTS tại chỗ giảm bình quân từ 5%/năm trở lên, theo chuẩn nghèo mới; 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 50% xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao…
Tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng. Trở thành “Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình”.
Với quan điểm phát triển kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, gắn chặt với quốc phòng an ninh và đối ngoại. Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế khác biệt, nổi trội để để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đồng thời, khai thác hiệu quả vị thế chiến lược, phát huy lợi thế kết nối Đông - Tây trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, hệ thống di sản; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và chủ quyền biên giới.
Phát biểu tại buổi công bố, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Đắk Nông được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu quan trọng của giai đoạn trước, đồng thời bám sát các Nghị quyết, định hướng, chỉ đạo mới của Trung ương, các quy định cấp quốc gia để tích hợp theo hướng thống nhất, đồng bộ. Quy hoạch là cơ sở chính trị và pháp lý vô cùng quan trọng, để tỉnh bước vào thời ký phát triển đột phá, nhanh và bền vững với mực tiêu xuyên suốt đến năm 2050 là trở thành tỉnh tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên, "Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình". Đây là mục tiêu phát triển có tinh phấn đấu cao, đòi hỏi sự đoàn kết, ý chí khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị và Nhân dân đồng lòng thực hiện.
Để đạt được mục tiêu đó, Đắk Nông tập trung thực hiện tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển. Cụ thể: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển nguồn nhân lực đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao; công nghiệp khai thác bô xít - chế biến Alumin - luyện nhôm và năng lượng tái tạo; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị theo hướng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, phát huy lợi thế khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Theo quyết định quy hoạch, phương án, giải pháp thực hiện quy hoạch của Đắk Nông phát triển theo mô hình “Một trung tâm - Ba cực động lực tăng trưởng - Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: mặc dù tỉnh Đắk Nông còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng và lợi thế riêng như phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế về tài nguyên bô xít; phát triển du lịch gắn với các sản phẩm độc đáo; khả năng phát triển kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khả năng tiếp cận và phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; đặc biệt là khát khao cống hiến, xây dựng của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ tạo đã tạo nguồn lực giá trị tinh thần cho địa phương.
Trong thời gian tới, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông cần phải đoàn kết, gắn bó và chia sẻ quan tâm đến đồng bào DTTS về sinh kế, cán bộ người DTTS, cán bộ làm công tác dân tộc; phát triển vẫn phải giữ được tài nguyên, sự đa dạng sinh học và đặc biệt là giữ rừng với tư cách là lá phổi cho khu vực và đất nước.
Định hướng thực hiện quy hoạch, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị tỉnh Đắk Nông cần ghi nhớ 8 chữ: “Tuân thủ”, “Linh hoạt”, “Đồng bộ”, “Thấu hiểu”. Trong đó, “Tuân thủ” để bảo đảm quá trình tổ chức triển khai không đi chệch hướng quy hoạch, bảo đảm mục tiêu đề ra. “Linh hoạt” trong cách thực hiện và triển khai, chủ động điều chỉnh những chỉ tiêu quy hoạch phù hợp với đặc thù của địa phương. “Đồng bộ” với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, đặc biệt là quy hoạch khoáng sản, để bảo đảm các điều kiện pháp lý phát triển công nghiệp khai khoáng. Bảo đảm chính quyền, người dân và doanh nghiệp cùng “Thấu hiểu” quy hoạch để thống nhất, đồng lòng thực thi và kịp thời phát hiện những bất cập trong quy hoạch để cùng điều chỉnh.