Theo đó, khi còn hoạt động, ngọn núi lửa Nâm B’lang ít nhất có 4 đợt phun trào chảy theo 4 hướng khác nhau gồm Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam và Đông Nam và tạo ra 4 hệ thống hang động nằm rải rác, phân bố xung quanh khu vực. Trong đó, hệ thống hang động phía Tây Bắc miệng hang được phân bố xa miệng núi lửa nhất, có đặc điểm phân bố, cơ chế thành tạo hang, cửa hang phong phú và đa dạng. Hệ thống hang động này được đánh giá là một trong những núi lửa có hệ thống hang động dài độc đáo bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Núi lửa Nâm B’lang nằm ở độ cao 601m so với mực nước biển, được tạo trong gia đoạn cuối của lịch sử phát triển địa chất. Nhìn từ xa, núi lửa này có hình thang cân, từ trên cao xuống núi lửa có hình phễu và khe thoát dòng đặc trưng.
Cùng với cảnh quan địa hình, địa mạo, danh lam thắng cảnh núi lửa Nâm B’lang có thể trở thành Bảo tàng địa chất ngoài trời về núi lửa. Bên cạnh đó, khu vực núi nửa còn tập trung nhiều dân tộc cùng sinh sống và có bề dày văn hóa truyền thống. Vì vậy, danh lam này mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghiên cứu khoa học, trở thành hình ảnh trực quan cho việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ.