Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đăk Nông: Cảnh báo về dịch bạch hầu

Lê Hường - 14:34, 30/06/2020

Từ đầu tháng 6/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đã ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 3 ổ dịch ở huyện Krông Nô và huyện Đăk Glong. Trong đó, đã có 1 bệnh nhi tử vong và 1 trường hợp nguy kịch phải chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Khám sàng lọc cho học sinh tại các địa phương có dịch
Khám sàng lọc cho học sinh tại các địa phương có dịch

Đầu tháng 6, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội nhà May Mắn tỉnh Đăk Nông (xã Đăk Sor, huyện Krông Nô), 3 em nhỏ được phát hiện nhiễm bệnh bạch hầu. 1 trong số 3 bệnh nhân đã lây cho người nhà, nâng số bệnh nhân bạch hầu trên địa bàn huyện lên 4 người. 

Kế đó, khoảng giữa tháng 6, dịch bạch hầu xuất hiện ổ dịch tại xã Quảng Hòa, huyện Đăk G’long khiến một bé gái 9 tuổi tử vong. Khám sàng lọc, phát hiện xã này có thêm 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu là hàng xóm, bạn học của cháu H. Chỉ ít ngày sau, ổ dịch bạch hầu thứ 3 xuất hiện tại xã Đăk R’Măng, huyện Đăk G’long với 3 ca bệnh.

Theo ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết, địa bàn xã rất rộng, nhiều cụm dân cư nằm cách xa trung tâm, đi lại khó khăn, đặc biệt là đồng bào Mông thường sống thành từng cụm dân cư trong rừng. Bệnh bạch hầu lây lan nhanh nên chính quyền địa phương luôn sẵn sàng phối hợp với ngành Y tế ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ, tổ chức cấp phát gạo, phun thuốc khử trùng tại điểm có dịch; đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu để hạn chế lây lan.

Ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đăk Nông cho biết: Ngay sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, Sở Y tế đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh tiến hành khoanh vùng dịch, khử trùng, cách ly, để lấy mẫu bệnh phẩm các những người tiếp xúc với bệnh nhân. Đến nay, ngành Y tế đã tổ chức cách ly, điều trị dự phòng cho 1.350 người tại 3 ổ dịch. Những người này không được rời khỏi địa phương, mọi giao dịch thực hiện tại chốt cách ly. 

“Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và ngành Y tế Đăk Nông vẫn đang tìm nguyên nhân lây bệnh bạch hầu tại 3 khu dân cư của tỉnh. Chúng tôi đặt giả thuyết, mầm bệnh đã tồn tại sẵn trong cộng đồng, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Bởi các ổ dịch tại 2 huyện đều có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chỉ đạt 48 - 52%. Các trường hợp mắc bệnh chưa được tiêm đủ mũi Văc xin phòng bệnh bạch hầu”, ông Thành cho biết.

Theo ông Thành, các bệnh nhân mắc bệnh hầu hết là đồng bào Mông, sống biệt lập, tập quán, phong tục và suy nghĩ của người dân còn hạn chế nên việc tiêm chủng chưa được quan tâm. Thậm chí, khi cán bộ y tế mang Văc xin đến tận buôn, bản thì người dân vẫn không chịu cho con tiêm. 

Vì vậy, ngành y tế đang triển khai tiêm Văc xin bổ sung phòng, chống bạch hầu để ngăn chặn dịch lâu dài. Hiện tại, ngành Y tế Đăk Nông đã cấp hơn 20.000 viên thuốc đặc trị cho hơn 1.000 người dân trong vùng xuất hiện ca bệnh và 10.000 liều Văc xin phòng bệnh bạch hầu cho nhóm đối tượng từ 7 đến dưới 40 tuổi tại khu vực ổ dịch.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.