Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gia Lai quan tâm phòng bệnh trong trường học

PV - 10:52, 13/09/2018

Môi trường sinh hoạt tập thể trong trường học là nơi dễ lây lan và bùng phát dịch bệnh. Chính vì vậy, việc phòng-chống dịch bệnh tại trường học cần được tăng cường và thực hiện thường xuyên, ngay khi bước vào năm học.

Ông Võ Gia Bắc-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai-cho biết: Nhiều bệnh dễ lây lan và bùng phát thành dịch trong trường học như: tay chân miệng, thủy đậu, sởi, cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp… Ngoài sốt xuất huyết đang xuất hiện rải rác tại các địa phương, cần chú ý bệnh tay chân miệng vì có 2 thời điểm bùng phát cao là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12, trùng với thời điểm tựu trường. Riêng bệnh thủy đậu, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 824 ca mắc, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Một buổi ăn trưa của học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện Một buổi ăn trưa của học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện
Cũng theo ông Bắc, trong năm học qua, một số trường Mầm non trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh tay chân miệng và thủy đậu. Cụ thể, tháng 3-2018, huyện Krông Pa (Gia Lai) ghi nhận 123 ca thủy đậu; tháng 4-2018, huyện Ia Grai ghi nhận 80 ca thủy đậu và 16 ca tay chân miệng. Tuy nhiên, nhờ phát hiện và kịp thời xử lý nên dịch không có cơ hội bùng phát, lây lan trên diện rộng.
Cuối năm học 2017-2018, Trường Mầm non 3-2 (xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) phát hiện bệnh tay chân miệng và thủy đậu ở một số cháu. Cô Trần Thị Tâm-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Khi xuất hiện bệnh, nhà trường đã kịp thời báo cáo tình hình lên Trạm Y tế xã Ia Sao, Trung tâm Y tế huyện Ia Grai và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện để có kế hoạch chỉ đạo ứng phó. Nhờ vậy, bệnh được xử lý và ngăn chặn kịp thời. Nhằm tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh trường học, ngay từ đầu năm học 2018- 2019, nhà trường đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch; tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng-chống dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và từ lực lượng này thông tin cho phụ huynh, học sinh về dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng-chống.
“Bên cạnh đó, nhà trường còn thực hiện vệ sinh môi trường sạch sẽ, trong đó có bếp ăn và khu vệ sinh. Các khu vực vệ sinh đều có vòi nước rửa tay, đủ nước sạch, xà phòng; mở cửa thông thoáng lớp học, phòng làm việc, bếp ăn... Thường xuyên kiểm tra để bảo đảm trong khuôn viên trường không có nước tù đọng, không có các dụng cụ, vật chứa nước tù đọng, tổ chức phát quang bụi rậm... Công tác vệ sinh, khử khuẩn lớp học, đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt và sàn nhà được tiến hành thường xuyên. Ngoài ra, nhà trường còn phát động phong trào “Cha mẹ trẻ tự kiểm tra sức khỏe con em mình trước khi đưa trẻ đến lớp”; 100% lớp lập danh sách học sinh ghi đầy đủ thông tin để cung cấp kịp thời cho cán bộ y tế theo dõi khi có dịch”-Hiệu trưởng Trường Mầm non 3-2 thông tin thêm.
Công tác phòng-chống dịch bệnh trường học cũng được Trường Mầm non Sơn Ca (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) chú trọng. Cô Hoàng Thị Xuyến-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Ngay đầu năm học này, trường đã tổ chức dọn vệ sinh và dùng nước nóng vệ sinh tất cả đồ dùng của trẻ tại trường, đồng thời tuyên truyền đến tất cả các bậc phụ huynh về việc phòng-chống các dịch bệnh nói chung và bệnh thủy đậu, tay chân miệng nói riêng. Trường còn thường xuyên phối-kết hợp với y tế địa phương để có hướng chỉ đạo kịp thời khi phát hiện dịch bệnh xảy ra. “Ngoài ra, đối với bếp ăn tập thể tại trường, ngay đầu năm học, nhà trường đã làm việc với các nhà cung cấp thực phẩm để cam kết đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho các cháu. Khi tiếp nhận thực phẩm, nhà trường cùng y tế trường kiểm tra hàng ngày, đảm bảo việc lưu mẫu thức ăn sống, chín theo đúng quy định”-cô Hoàng Thị Xuyến chia sẻ.
Diễn biến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều như hiện nay cùng với ô nhiễm môi trường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển trong cộng đồng nói chung, trường học nói riêng. Trong đó, dịch bệnh lây theo đường tiêu hóa như tiêu chảy, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, ngộ độc thực phẩm... và các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết, viêm não do vi rút… thường tăng cao và có thể bùng phát thành dịch.
Ông Võ Gia Bắc khuyến cáo: “Để phòng-chống dịch bệnh hiệu quả trong trường học cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và y tế cơ sở. Các trường học tăng cường tuyên truyền công tác phòng-chống dịch bệnh đến phụ huynh và học sinh. Thực hiện “ăn chín, uống chín”; hướng dẫn trẻ rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh… Theo dõi tình hình sức khỏe học sinh thường xuyên; kịp thời phát hiện, cách ly sớm đối với trẻ bị bệnh, nhất là các bệnh dễ lây, đồng thời báo cáo y tế cơ sở xử lý theo quy định, không để bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng”.
THEO BÁO GIA LAI
Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.