Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đắk Lắk: Tích cực tuyên truyền công tác bầu cử đến người dân vùng sâu

Lê Hường - 10:42, 08/04/2021

Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Để đảm bảo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, Đăk Lăk đã chú trọng đặc biệt đến công tác thông tin tuyên truyền.

Con đường tại Đắk Lắk được trang hoàng cờ hoa, khẩu hiệu trước ngày bầu cử
Các con đường ở Đắk Lắk được trang hoàng cờ hoa, khẩu hiệu trước ngày bầu cử

Có mặt tại xã Cư M’gar, huyện Cư M'gar những ngày đầu tháng 4, chúng tôi thấy cờ hoa rực rỡ, các bảng hiệu lớn nhỏ được dựng lên hai bên đường. Toàn xã có 9 đơn vị bầu cử, tương ứng với 9 khu vực bỏ phiếu. Đến nay, xã đã hoàn thành công tác hiệp thương lần thứ hai, lấy ý kiến cử tri nơi công tác và hiện đang lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Bên cạnh đó, lực lượng công an xã và ban tự quản các thôn, buôn rà soát, cập nhật danh sách cử tri và triển khai đối chiếu lại, bảo đảm chính xác phục vụ cho công tác lập và niêm yết danh sách cử tri.

5 lần tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, bà H’Băm Kbuôn, ở buôn Trăp, xã Cư M’gar hiểu đó là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân. Mỗi lần được cầm lá phiếu cử tri bà đều mong đại biểu mình bầu, sẽ là người có tài, có đức, có trách nhiệm quan tâm đến người dân. 

Bà H’Băm chia sẻ: "Từ sau Tết, tôi đã nghe các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh xã tuyên truyền nhiều về bầu cử. Già làng cũng đã họp buôn thông báo nên tôi đã nắm được thông tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp sẽ diễn ra vào ngày 23/5 tới. Vì vậy, tôi đã đánh dấu vào tờ lịch, rồi nhắc các con hẹn nhắc lịch trên điện thoại để nhớ ngày đi bỏ phiếu". 

Bà Phạm Thị Tiềm, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Cư M’gar cho biết: Xã Cư M’gar có 70% đồng bào DTTS sinh sống nên công tác tuyên truyền, đặc biệt tại các thôn, buôn vùng sâu, nơi có đông đồng bào ít người sinh sống được địa phương chú trọng. Xã đã thành lập tiểu ban thông tin tuyên truyền. Thường xuyên thông báo trên hệ thống loa đài truyền thanh xã để Nhân dân nắm bắt mọi thông tin về bầu cử. 

Theo ông Trần Ngọc Trí, Trưởng Phòng Nội vụ, Thư ký Ủy ban bầu cử huyện Cư M’gar, chế độ thông tin, báo cáo, tuyên truyền về bầu cử đang được Ủy ban bầu cử huyện quán triệt, thực hiện nghiêm. Do đặc thù địa bàn rộng, một số xã vùng xa có đông đồng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, Ủy ban bầu cử huyện đã soạn thảo nội dung tuyên truyền dễ hiểu, bằng nhiều thứ tiếng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thể hiện trách nhiệm, quyền lợi của mình.

Tương tự, tại huyện Krông Bông, công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử cũng được địa phương triển khai từ đầu tháng 3 và chia làm 3 đợt. Đợt 1 từ tháng 3 đến ngày 22/4 với nội dung tuyên truyền quyền và nghĩa vụ của người ứng cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri. Đợt 2 từ ngày 23/4 đến 23/5, tập trung tuyên truyền công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử và không khí phấn khởi, tin tưởng của cử tri hướng về ngày bầu cử. Đợt 3 sau ngày bẩu cử sẽ tuyên truyền kết quả bầu cử và các hoạt động chào mừng thành công cuộc bầu cử trên cả nước, của tỉnh và của huyện...

Đồng chí Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhấn mạnh: cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội của toàn dân. Vì vậy, Ban chỉ đạo cuộc bầu cử, Ủy ban bầu cử tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo Ủy ban bầu cử cấp huyện, xã đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đầy đủ về cuộc bầu cử đến thôn, buôn, tổ dân phố và đến từng hộ dân... để từng người dân hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm với lá phiếu của mình.

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận