Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Để đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào hoạt động bầu cử

PV - 18:49, 31/03/2021

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành vào ngày 23-5-2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được tổ chức sau thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ông Quàng Văn Hương
Ông Quàng Văn Hương

Để phát huy tinh thần làm chủ, trách nhiệm, tích cực tham gia của đồng bào các dân tộc thiểu số khi lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, phóng viên đã trao đổi với ông Quàng Văn Hương, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội để hiểu rõ hơn xung quanh vấn đề này.

PV: Việc đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tích cực vào công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Quàng Văn Hương: Thực tiễn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vừa qua cho thấy, việc đồng bào các dân tộc tham gia tích cực và bầu chọn được các ĐBQH thực sự ưu tú, có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm đã góp phần không nhỏ vào thành công của Quốc hội khóa XIV, nhất là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

 Nhiệm kỳ khóa XIV, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã ghi dấu ấn lịch sử trong hoạt động của mình khi đã đề xuất, tranh thủ được sự ủng hộ của Quốc hội, các ĐBQH thông qua khoản 1, Điều 68a, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hai nghị quyết quan trọng với đại đa số phiếu tán thành. Đó là Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. 

Có thể nói, đây là những quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội, lần đầu tiên Quốc hội ban hành hai nghị quyết riêng về lĩnh vực dân tộc, cũng là lần đầu tiên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Đề án tổng thể và chương trình mục tiêu quốc gia.

Để Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các ĐBQH khóa XV tiếp tục kế thừa, phát huy các kết quả, thành tựu đã đạt được, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng ĐBQH, bầu chọn được các đại biểu thực sự tiêu biểu tham gia Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.

Nguồn vốn chính sách giúp người dân đồng bào miền núi đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo
Nguồn vốn chính sách giúp người dân đồng bào miền núi đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo

PV: Công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tới đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?

Ông Quàng Văn Hương: Có thể thấy, công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có rất nhiều nét đặc thù. Đó là khó khăn về giao thông, nhận thức của đồng bào còn hạn chế, cùng với rất nhiều các phong tục, tập quán. Nếu công tác tuyên truyền không tốt sẽ ảnh hưởng tới trước hết là quyền lợi của đồng bào, qua đó có thể ảnh hưởng đến cả quá trình bầu cử, lựa chọn được các đại biểu ưu tú, xuất sắc nhất.

Kế hoạch triển khai công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc của Chính phủ xây dựng về cơ bản rất chi tiết. Công tác tuyên truyền cần tập trung làm sao để đồng bào thấy được việc tích cực tham gia vào công tác bầu cử chính là quyền lợi của đồng bào. Đó là bầu ra được những người đại diện cho đồng bào để tham gia xây dựng, đề xuất, giám sát việc thực hiện chính sách, nhất là chính sách liên quan tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Cùng với đó, phải tuyên truyền cho đồng bào hiểu được về lý lịch, năng lực cũng như tâm huyết, trách nhiệm của những đại biểu mà mình sẽ bầu ra.

Theo đó, hoạt động tuyên truyền cần làm nổi bật mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; về tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND; về quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân và trách nhiệm cử tri trong quá trình tham gia bầu cử. Cùng với đó, hoạt động thông tin, tuyên truyền cần tập trung về nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri, về tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên, đặc biệt ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, ứng cử viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ứng cử viên là người dân tộc ít người, thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn...

PV: Với địa hình vùng đồng bào miền núi rộng, cùng với tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều nét đặc trưng, công tác tuyên truyền có những đổi mới gì, thưa ông?

Ông Quàng Văn Hương: Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử cần tập trung hướng tới tuyến cơ sở, đặc biệt chú trọng tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm môi trường sống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, phát huy sáng kiến trong công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.