Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đắk Lắk: Linh hoạt các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Cát Tường - 16:55, 09/08/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ tiêu thụ chậm. Để hỗ trợ người dân, tỉnh Đắk Lắk đang triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 12.000 ha sầu riêng, sản lượng dự kiến 103.000 tấn; Thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 8 đến tháng 10/2021. Ảnh: BĐL
Tỉnh Đắk Lắk có hơn 12.000 ha sầu riêng, sản lượng dự kiến 103.000 tấn; Thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 8 đến tháng 10/2021. Ảnh: BĐL

Đặc sản “hái ra tiền” của nhà nông

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có hai loại cây chủ lực là sầu riêng và bơ đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Trong đó, sầu riêng có hơn 12.000 ha (diện tích đang cho thu hoạch khoảng 5.300 ha), sản lượng dự kiến 103.000 tấn. Thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 8 đến tháng 10-2021,

Trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng loại sầu riêng Dona Thái với mức giá trên thị trường thu mua hiện nay khoảng 42.000đ - 45.000đ/ kg và sầu riêng Ri6 giá dao động khoảng 22.000đ - 35.000đ, sầu riêng có vỏ mỏng, cơm dày, hạt lép, được người tiêu dùng ưa dùng.

Sầu riêng có vỏ mỏng, cơm dày, hạt lép và rất thơm nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sầu riêng có vỏ mỏng, cơm dày, hạt lép và rất thơm nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Còn diện tích cây bơ trên 9.000 ha (có 5.400 ha cho thu hoạch), sản lương dự kiến khoảng 82.000 tấn, với các giống bơ sáp, bơ booth, bơ hass, bơ 034… Đến thời điểm này, bơ booth và bơ hass sẽ vào vụ thu hoạch từ giữa tháng 8, với sản lượng ước tính khoảng 40 nghìn tấn.

Đầu mối thu mua sầu riêng lớn là các thương nhân, ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây để xuất khẩu đi Trung Quốc. Mọi năm, các nông sản này thuộc diện “hái ra tiền” của bà con. Nhưng đến năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến vận chuyển lưu thông hàng hoá. Còn vài tuần nữa sầu riêng vào chính vụ, nhưng với tình hình này, khả năng thương lái không đến cắt hàng như mọi năm được. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng và thiệt hại kinh tế cho người trồng.

Tại Krông Pắk là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tại tỉnh Đắk Lắk, năm nay một tín hiệu rất vui là diện tích và năng suất sầu riêng tăng mạnh.  Điển hình như, tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk - một trong những vựa sầu riêng lớn nhất của tỉnh, với hơn 200 ha sầu riêng và 22 vựa mua bán trái cây. 

Các vựa mua bán không chỉ thu mua trên địa bàn xã, mà còn cả các vùng lân cận để đưa đi các tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng những ngày qua do ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn nên cũng chỉ lác đác hình ảnh thương lái đến thu mua.

Giải pháp tiêu thụ nông sản

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh đã  triển khai linh hoạt nhiều giải pháp, kịch bản, hình huống để ứng phó với dịch bệnh, giải quyết khó khăn trong việc tiêu thụ  nông sản cho nông dân.

Để bảo đảm mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, UBND tỉnh Đắk Lắk, đã chỉ đạo các địa phương chủ động tìm nhiều giải pháp để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, tỉnh cũng xác định, trong điều kiện dịch Covid–19 đang diễn biến phức tạp, bên cạnh sự nỗ lực của chính nhà nông, của doanh nghiệp và chính quyền địa phương, rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương.

Để làm được điều đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị, Bộ Công Thương hỗ trợ hướng dẫn triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ trên môi trường số, đưa sản phẩm sầu riêng của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử; giới thiệu kết nối các hiệp hội, các doanh nghiệp phân phối lớn để thúc đẩy tiêu thụ sầu riêng; hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách tiêu thụ nông sản của Nhà nước.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá của tỉnh Đắk Lắk đi qua và đến các tỉnh thành trong cả nước.

Cùng với sầu riêng, trái bơ cũng là nông sản chủ lực của người dân Đắk Lắk
Cùng với sầu riêng, trái bơ cũng là nông sản chủ lực của người dân Đắk Lắk

Đối với các địa phương, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị, các tỉnh, thành phố quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giới thiệu, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ bơ, sầu riêng và các nông sản khác của tỉnh Đắk Lắk trên địa bàn.

UBND tỉnh Đắk Lắk cam kết tập trung chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu mua, thu hoạch, sơ chế đóng gói, vận chuyển tiêu thụ, đảm bảo quy định phòng chống dịch COVID-19.

Tại địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản trên địa bàn tỉnh trong điều kiện dịch COVID-19; chủ động liên hệ, kết nối với các sở, ngành cùng lĩnh vực của các tỉnh, thành trong cả nước nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu nông sản của tỉnh; đồng thời đề nghị giúp đỡ kết nối tiêu thụ, hỗ trợ lưu thông, hỗ trợ truyền thông đối với những nông sản có sản lượng lớn, khó tiêu thụ…

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho biết để tránh việc phải "giải cứu" nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đồng ý cho tỉnh xây dựng kho dữ liệu về thông tin mùa vụ, sản phẩm… đưa lên sàn thương mại điện tử.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết: Địa phương đã lên phương án siết chặt công tác phòng dịch, kết hợp với đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho bà con. 

Huyện cũng lập một tổ công tác đặc biệt, lưu động để hỗ trợ các xã, thị trấn trong công tác phòng dịch. Cụ thể, khi  thương lái đến, thôn báo lên xã, xã báo lên huyện để tổ công tác này đến tận nơi thực hiện test nhanh Covid-19, thực hiện các biện pháp y tế cần thiết.

 Bên cạnh đó, nếu chủ vườn, chủ vựa có nơi ở biệt lập cho thương lái, thì địa phương sẽ giám sát. Nếu không có chỗ ở biệt lập, huyện sẽ thuê một khách sạn để những người này ở, trả phí trong những ngày lưu trú tại địa phương. Có như vậy, quy trình thu hái, đóng gói, chuyên chở hàng hóa mới khép kín, tránh sự cố lây nhiễm trong cộng đồng.

Đáng phấn khởi, dự báo được những khó khăn trong khâu tiêu thụ, ngay trước kỳ thu hoạch, một số hợp tác xã đã đầu tư thiết bị công nghệ bảo quản sau thu hoạch để kéo dài thời gian bảo quản, hạn chế sản phẩm hư hỏng. Điển hình là Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc, huyện Krông Pắc, đã đầu tư hệ thống bóc tách, cấp đông sản phẩm sầu riêng với diện tích 2.000 m2, công suất 30 tấn múi/ngày để tăng thời gian bảo quản mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm. Từ đó, Hợp tác xã có thể kéo dài thời gian cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu hạn chế những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến việc tiêu thụ sầu riêng.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.