Tỉnh Đắk Lắk có hơn 71 km đường biên tiếp giáp với tỉnh Mundulkiri - Vương quốc Campuchia; có 4 xã biên giới thuộc hai huyện Buôn Đôn (73.427 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,5%) và Ea Súp (80.647 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 45,09%).
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng của tỉnh. Theo đó, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, ưu tiên đầu tư từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Giai đoạn 2016 - 2022, tổng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã biên giới thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 190,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chương trình dạy nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm; chính sách tín dụng; hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chính sách về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số… đã làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội vùng biên giới. Đến nay, xã biên giới Ea Bung (huyện Ea Súp) đã đạt chuẩn nông thôn mới; xã Ia Rvê (huyện Ea Súp) và xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới...
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế nhất định, làm giảm hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Nhiều chính sách chồng chéo về nội dung, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng dẫn đến khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả. Một số chính sách nặng về hỗ trợ, giải quyết tình thế nên chưa đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh địa bàn biên giới… Trong khi đó, hiệu quả sử dụng vốn vay của người dân chưa thật sự hiệu quả, một phần do còn hạn chế công tác phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh, để khắc phục những hạn chế và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tỉnh sẽ tập trung khắc phục những khó khăn, hạn chế; đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến 2035.
Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk đề xuất Trung ương tiếp tục xem xét hỗ trợ vốn để đầu tư hoàn thành các dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát trên địa bàn hai huyện biên giới; quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông vào các Đồn biên phòng và nâng cấp, nhựa hóa, bê tông hóa đồng bộ tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn, nhằm góp phần đảm bảo an ninh khu vực biên giới. Đặc biệt, Trung ương tiếp tục tổ chức triển khai mô hình Quản lý tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện nhằm góp phần triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội vùng biên giới; quan tâm đầu tư xây dựng các dự án lớn, trọng điểm, có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển khu vực biên giới, giúp các xã biên giới phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong thời gian tới.