Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười mới “cơ bản” trả lại hiện trạng ban đầu

Ngọc Chí - 15:14, 03/10/2024

Từ tháng 5/2024 đến nay, Báo Dân tộc và Phát triển đã bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin và có đến 11 tin, bài phản ánh về những vi phạm trong lĩnh vực đất đai tại khu vực giáp ranh giữa địa giới hành chính xã Đăk Pxi và xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum (thường gọi khu vực Cây đa cười), đến nay, đất ở khu vực Cây đa cười mới “cơ bản” được trả lại hiện trạng ban đầu. Điều đáng nói là khi phóng viên làm việc với lãnh đạo UBND xã Đăk Pxi thì bị từ chối cung cấp thông tin vì cho rằng UBND huyện Đăk Hà đã có văn bản chỉ đạo “Mật”, mọi thông tin giờ đều qua Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cung cấp.

Đất ở khu vực Cây đa cười mới “cơ bản” được trả lại hiện trạng ban đầu
Đất ở khu vực Cây đa cười mới “cơ bản” được trả lại hiện trạng ban đầu

Huyện có văn bản “Mật” nên xã không trả lời báo chí

Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường khu vực Cây đa cười thì các ruộng lúa trước đây bị san lấp tiếp tục được khắc phục bằng cách múc xuống sâu hơn; khu vực suối dẫn nước được khắc phục bằng cách dùng bao tải đổ đất vào làm kè và đóng cọc bằng bê tông để hạn chế sạt lở; một đoạn mương dẫn nước được đặt cống bằng bê tông... Mặc dù đã khắc phục cơ bản nhưng nguy cơ đất tiếp tục bị cuốn trôi khi trời mưa vẫn đang hiện hữu.

Khi phóng viên trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà tại hiện trường khu vực Cây đa cười về việc khắc phục đã đúng hiện trạng ban đầu chưa? Thì được ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi trả lời: Theo như Văn bản “Mật” và Văn bản thường của UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo thì xã cung cấp thông tin cho Phòng Tài nguyên và Môi trường rồi phòng chủ trì báo cáo và cung cấp thông tin cho báo chí. UBND xã không cung cấp được.

Đoạn suối đã được kè lại để hạn chế sạt lở
Đoạn suối đã được kè lại để hạn chế sạt lở

Theo như trả lời của vị Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, phóng viên đã đến làm việc trực tiếp với ông Đặng Ngọc Tiến – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Hà thì được ông Tiến khẳng định: Đó là “Mật” gì đâu, văn bản hành chính UBND huyện chỉ đạo bình thường. Nhưng có đóng dấu “Mật”.

Riêng đối với việc khắc phục diện tích đất trồng lúa, ao trữ nước của các hộ dân ở phía dưới khu vực Cây đa cười bị đất bồi lấp thì vẫn chưa tạo được sự thống nhất, đồng thuận của các hộ dân.

Các hộ dân cho rằng việc khắc phục ao trữ nước chưa được sự thống nhất của các hộ và chưa đúng như hiện trạng ban đầu
Các hộ dân cho rằng việc khắc phục ao trữ nước chưa được sự thống nhất của các hộ và chưa đúng như hiện trạng ban đầu

Bà Nguyễn Thị Ngần, thôn Đăk Wek, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà cho biết: Vừa rồi ông Hậu tự đem máy múc vào khắc phục và không báo cho chúng tôi biết. Việc khắc phục này vẫn chưa đảm bảo và còn làm hư hỏng một số ống tưới nước của chúng tôi. Chúng tôi có nói với ông Hậu là chưa thỏa thuận với người dân mà tại sao lại đem máy múc vào múc, như thế là sai. Thế là ông Hậu còn thách thức chúng tôi là không cần ý kiến của mấy hộ, tui đã qua ý kiến của chính quyền rồi.

Vợ chồng ông A Cư đang khắc phục lại bờ ruộng đã bị đất ở khu vực Cây đa cười gây bồi lấp
Vợ chồng ông A Cư đang khắc phục lại bờ ruộng đã bị đất ở khu vực Cây đa cười gây bồi lấp

Ông A Cư, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà có diện tích đất trồng lúa bị vùi lấp do đất từ khu vực Cây đa cười trôi xuống cho biết: Vừa rồi họ có vào bồi thường đối với diện tích lúa bị thiệt hại là 2 triệu đồng, sau đó có máy múc đất ra khỏi ruộng, cũng chỉ cơ bản thôi. Hai vợ chồng phải làm bằng tay gần 20 ngày công rồi mà vẫn chưa xong.

Mãi đến nay, đất ở khu vực Cây đa cười mới “cơ bản” được khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu. Cho thấy, việc xử lý vi phạm về đất đai tại địa phương này có nhiều điều đáng nói. Phải chăng có những “ẩn khuất” gì phía sau để đối tượng vi phạm chây ì, kéo dài thời gian khắc phục hậu quả?!

Chuyện “buồn” của những người bán đất

Trong quá trình tìm hiểu và nắm bắt thông tin về vụ việc tại khu vực Cây đa cười, phóng viên đã được người dân kể lại câu chuyện bán đất và những chuyện buồn sau khi bán đất. Đặc biệt, sau khi báo chí vào cuộc thì một số hộ dân đã nhận thức được việc bán đất sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất sau này và có hộ còn mong muốn được mua lại diện tích đất đã bán.

Vợ chồng chị Y Duyên và anh A Bút mong muốn được mua lại diện tích đất trồng lúa trước đây đã bán
Vợ chồng chị Y Duyên và anh A Bút mong muốn được mua lại diện tích đất trồng lúa trước đây đã bán

Vợ chồng chị Y Duyên và anh A Bút, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà đã tìm gặp phóng viên và kể lại câu chuyện bán đất của gia đình mình. Với đôi mắt đỏ hoe, chị Y Duyên kể: Đầu năm 2024, bà Y Lan (trú cùng thôn) cùng vợ chồng chị Tình đến đặt vấn đề mua 06 sào đất trồng mì và lúa nước, ao cá ở khu vực Cây đa cười với giá 85 triệu đồng. Đồng thời, hứa sau khi mua đất vẫn để cho gia đình tiếp tục canh tác ở diện tích đất trồng lúa và ao nuôi cá. Khi được hứa hẹn như thế thì gia đình mới đồng ý chuyển nhượng. Sau khi chuyển nhượng xong thì chị Tình san lấp luôn đất ruộng. Khi nay hai vợ chồng cãi nhau miết về việc bán đất.

“Chị Tình nói đất không giấy tờ sẽ bị Nhà nước thu hồi nên tháng 3/2024 gia đình tiếp tục bán hơn 1ha đất rẫy chưa có giấy tờ cho chị Tình với giá 12 triệu đồng. Khi bán thì chị Tình cầm hết giấy tờ chứ mình không có giấy tờ gì hết. Giờ mình muốn được mua lại miếng ruộng, rẫy đó, nếu chịu bán thì mình sẽ bán bò để mua lại. Khi nay chị Tình cứ gọi bảo mình ra ký giấy tờ nhưng mình không đi, không dám nữa” – ông A Bút kể thêm.

Anh A Git, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi kể lại việc đổi đất với chị Tình nhưng đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất
Anh A Git, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi kể lại việc đổi đất với chị Tình nhưng đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất

Anh A Git, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi kể: Trước gia đình có đất ở khu vực Cây đa cười đã trồng 480 cây cà phê, chị Tình có hỏi mua nhưng gia đình không bán. Sau đó có thỏa thuận với gia đình là sẽ đổi đất ở khu vực khác, khoảng 7 hay 8 sào. Họ lấy giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ở khu vực Cây đa cười rồi và đất cũng đã được san ủi. Hiện mình đang canh tác đất được chị Tình đổi ở khu vực khác nhưng đến nay vẫn chưa làm giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho gia đình.

Theo báo cáo của Huyện ủy Đăk Hà gửi Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum báo cáo về tình trạng gom mua đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại xã Đăk Pxi thì từ cuối năm 2023, bà Trương Thị Tình (thường trú tại Tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) vào địa bàn xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà để thỏa thuận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp của 10 hộ gia đình, cá nhân là người đồng bào DTTS, với diện tích khoảng 10,44ha (một số trường hợp không nhớ rõ diện tích đã chuyển nhượng). Qua xác minh, hầu hết các trường hợp chuyển nhượng Quyền sử dụng đất đều là các hộ người DTTS.

Xã Đăk Pxi có hơn 90% dân số là đồng bào DTTS, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên đất sản xuất có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, việc bán đất sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và cuộc sống của người dân sau này. 

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.