Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đăk Hà (Kon Tum): Vì sao không xử phạt đối với 5.443m2 diện tích đất nông nghiệp bị san ủi làm biến dạng địa hình

Ngọc Chí - 20:32, 08/07/2024

Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Hậu về hành vi hủy hoại đất, với số tiền 20 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Nhưng điều đáng nói là tổng diện tích san ủi mặt bằng là 6.699m2, nhưng Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà chỉ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với diện tích đất trồng lúa bị san ủi là 1.256m2. Vậy còn 5.443m2 diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và lâu năm bị san ủi làm biến dạng địa hình sao không xử phạt?!

Hiện trạng khu vực Cây đa cười khi chưa bị san lấp
Hiện trạng khu vực Cây đa cười khi chưa bị san lấp

Theo báo cáo số 435, ngày 26/5/2024 của UBND huyện Đăk Hà báo cáo vụ việc san lấp mặt bằng trên diện tích đất trồng lúa tại vị trí đất giáp ranh giữa thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi và thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long (khu vực Cây đa cười) thì tổng diện tích san ủi mặt bằng là 6.699m2. Trong đó, diện tích san ủi mặt bằng trên diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và lâu năm là 5.443m2; diện tích san lấp mặt bằng trên phần diện tích đất trồng lúa là 1.256m2.

Điều đáng nói tổng diện tích san ủi mặt bằng là 6.699m2, nhưng Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà chỉ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với diện tích đất trồng lúa bị san ủi là 1.256m2. Vậy còn 5.443 m2 diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và lâu năm bị san ủi làm biến dạng địa hình sao không xử phạt?!

Hiện trạng khu vực Cây đa cười sau khi bị các đối tượng san lấp đất trái với quy định của pháp luật
Hiện trạng khu vực Cây đa cười sau khi bị các đối tượng san lấp đất trái với quy định của pháp luật

Khi phóng viên đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Minh Vương – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: “Việc này do anh em chuyên môn đi làm, họ xác định diện tích vi phạm. Thực ra cái này xử phạt hành vi vi phạm diện tích đất trồng lúa. Phòng Tài nguyên và Môi trường trả lời là diện tích còn lại san ủi trong nội bộ đất nông nghiệp, trong biên bản ghi nhận sự việc có thể hiện”.

Trong biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trường vụ việc vào ngày 23/5/2024 với thành phần đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, UBND xã Đăk Pxi, UBND xã Đăk Long có ghi nhận: “Việc chủ sử dụng đất có hoạt động san ủi mặt bằng trong nội bộ các thửa đất sản xuất nông nghiệp (san ủi từ vị trí có địa hình cao để san lấp vào vị trí có địa hình thấp trũng) với diện tích 5.433m2; không có tình trạng khai thác để vận chuyển đi nơi khác. Việc san ủi mặt bằng không gây cản trở hay thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác và các thửa đất liền kề, tại thời điểm kiểm tra việc san ủi đã kết thúc. Việc san ủi đất trong nội bộ đất nông nghiệp, chưa sử dụng vào mục đích đất phi nông nghiệp thuộc hành vi cải tạo bảo vệ đất, không thuộc hành vi bị pháp luật nghiêm cấm”.

Theo Điều 9 “Khuyến khích đầu tư vào đất đai”, Luật Đất đai 2013 quy định: Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào các việc sau đây: Bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất.”

Một lượng lớn đất đồi được múc để lấp diện tích đất ruộng lúa
Một lượng lớn đất đồi được múc để lấp diện tích đất ruộng lúa

Việc cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất Nhà nước luôn khuyến khích nhưng để đảm bảo không vi phạm pháp luật, người dân cần làm đơn gửi đến UBND cấp xã trình bày rõ nội dung yêu cầu và khi đã được UBND cấp xã cho phép thì việc cải tạo đất là hợp pháp.

Ông Hà Đức Mỷ - Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà cho biết: Ông Trịnh Văn Hậu tổ chức san lấp đất tại khu vực Cây đa cười thì không có làm đơn gửi đến UBND xã để xin phép.

Biên bản nhận định việc san ủi 5.443m2 diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và lâu năm là hành vi cải tạo bảo vệ đất. Nhưng thực tế phóng viên ghi nhận tại hiện trường thì khối lượng đất này san ủi dùng để san lấp diện tích đất trồng lúa.

Đồng thời, trong biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trường vụ việc vào ngày 23/5/2024, ý kiến của xã Đăk Pxi như sau: Qua nắm bắt thông tin thì việc các cá nhân chuyển nhượng Quyền sử dụng đất nông nghiệp này để sử dụng vào mục đích làm dự án du lịch cộng đồng. Trong thời gian cuối tháng 4/2024 các cá nhân đã tự ý đưa máy múc vào san ủi mặt bằng nhằm mục đích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Đăk Rơ Wang. Sau khi phát hiện hành vi, UBND xã đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu các cá nhân dừng mọi hoạt động và đưa toàn bộ máy móc ra khỏi địa bàn xã.

Như vậy, việc san ủi mặt bằng này là hành vi “cải tạo bảo vệ đất” hay nhằm mục đích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Đăk Rơ Wang và làm dự án du lịch cộng đồng?

Một lượng lớn đất san lấp trái với quy định của pháp luật tại khu vực Cây đa cười bị nước cuốn trôi làm ảnh hưởng đến các diện tích đất sản xuất của người dân ở liền kề
Một lượng lớn đất san lấp trái với quy định của pháp luật tại khu vực Cây đa cười bị nước cuốn trôi làm ảnh hưởng đến các diện tích đất sản xuất của người dân ở liền kề

Khoản 1, Điều 12, Luật Đất đai 2013 quy định nghiêm cấm “Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai”. Đồng thời, theo Khoản 3, Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP giải thích về Hủy hoại đất như sau: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Trong đó, Điểm a ghi rõ, làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: Thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề; trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận.

Theo Điều 15, Nghị định 91/2019/NĐ-CP, người sử dụng đất vi phạm các quy định trên có thể bị xử phạt hành chính mức thấp nhất là 2 triệu đồng, mức cao nhất lên đến 150 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 1 hecta trở lên.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc về quá trình xử lý vụ việc.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.