Đài thờ Trà Kiệu được làm từ chất liệu sa thạch, có chiều cao 128cm, dài 190cm, có niên đại thế kỷ VII - VIII. Đài thờ gồm 2 phần: phần khối tròn ở trên và khối vuông ở dưới. Phần khối tròn gồm 2 thớt Yoni. Thớt dưới có chiều cao 38 cm với đường kính 138cm. Thớt trên có đường kính và chiều dài như phần thớt dưới. Ngoài ra, thớt trên còn có thêm phần vòi nhô ra dài 41cm. Mặt dưới của thớt chạm nổi hai lớp cánh hoa sen, đối xứng với các cánh sen của thớt dưới. Mặt trên phẳng, chung quanh có viền gờ cạn và có rãnh từ lòng vươn lên vòi yoni.
Phần dưới khối vuông, bốn cạnh có chạm khắc các nhân vật, trong đó có một cạnh chạm khắc 11 nhân vật hình dáng gần giống nhau, trong tư thế múa; 3 cạnh còn lại chạm khắc các nhân vật với các hình dáng, tư thế khác nhau, cảnh sinh hoạt tôn thờ của các vị thần, cánh sen cách điệu 2 lớp, mỗi lớp 18 cánh. 4 mặt trang trí thể hiện hoàn chỉnh một chủ đề trong thần thoại, tiêu biểu cho sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ và Đông Nam Á.
Đài thờ Trà Kiệu được trưng bày tại trung tâm của phòng Trà Kiệu ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm, các bộ phận của bảo vật này đã được sưu tầm từ Trà Kiệu (nay thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đưa về Đà Nẵng vào tháng 12 năm 1891 và tháng 1 năm 1892. Đây là đài thờ Chăm-pa duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn với phần bệ vuông ở dưới và bệ yoni tròn ở trên.
Đài thờ Trà Kiệu quý ở nhiều khía cạnh bởi là một bố cục kể chuyện hoàn chỉnh và giàu tính nghệ thuật. Đặc biệt là lối điêu khắc tinh tế, sống động từ những chi tiết nhỏ nhất như y phục, búi tóc, khuôn mặt hay dáng điệu của các vũ nữ trên đài thờ đạt tính chất điển hình để khái quát, khi nghiên cứu so sánh các phong cách nghệ thuật Chăm - pa và các nước Đông Nam Á... Bảo vật này được nhiều nghà nghiên cứu văn hóa cũng như du khách đến chiêm ngưỡng tìm hiểu.