Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Kỳ vọng những đột phá

N.Tâm - 09:47, 13/10/2020

Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 15 - 17/10, tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Trước thềm Đại hội, Báo Dân tộc và Phát triển lược ghi những ý kiến tâm huyết, những kỳ vọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới.

Khu đô thị Phú Cường, TP. Rạch Giá tạo nên một diện mạo mới cho khu đô thị lấn biển ở Kiên Giang.
Khu đô thị Phú Cường, TP. Rạch Giá tạo nên một diện mạo mới cho khu đô thị lấn biển ở Kiên Giang.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí Thư Tỉnh ủy Kiên Giang (Nhiệm kỳ 2015 - 2020): Tiếp tục duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại hội Đảng bộ lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 của tỉnh Kiên Giang xác định 3 khâu đột phá, cụ thể đó là: Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) đồng bộ, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Nghị
Ông Nguyễn Thanh Nghị

Đây là những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tiếp tục duy trì tỉnh Kiên Giang là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Với các khâu đột phá, Tỉnh ủy sẽ quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ tới. Với quyết tâm, cố gắng của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh, chúng ta tin rằng, Kiên Giang sẽ phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Ông Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: Tập trung chỉ đạo phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS.

Quyết tâm thư của Đại hội các DTTS tỉnh Kiên Giang lần III năm 2019 đặt mục tiêu phấn đấu, đến năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS xuống còn khoảng 3%. Do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS.

Ông Đỗ Thanh Bình
Ông Đỗ Thanh Bình

Tỉnh sẽ triển khai các cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS trong phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, Người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc; kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hòa thượng Danh Lân, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang: Tiếp tục cụ thể hóa Chỉ thị số 19- CT/TW ngày 10/1/2018.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào các DTTS của tỉnh phát triển toàn diện, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, con cháu của các Phật tử có điều kiện học tập tốt. Các lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát huy tốt. Tôi được vinh dự báo cáo tham luận tại Đại hội các DTTS ở năm trước về dạy và học chữ Khmer tại các chùa Nam tông Khmer trên địa bàn.

Hòa thượng Danh Lân
Hòa thượng Danh Lân

Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, tôi cùng các Phật tử kỳ vọng vào sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm vùng đông đồng bào các DTTS nói chung và dân tộc Khmer nói riêng. Đặc biệt, triển khai ngày càng nhiều thêm các công trình dự án theo Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

Một số chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,5% trở lên. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.485 USD; thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 đạt 73.645 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 267.179 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%. 100% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có ít nhất 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có khoảng 7 - 9 huyện đạt các tiêu chí huyện NTM. Đến năm 2025, có 60% trở lên số trường đạt chuẩn quốc gia; hằng năm huy động học sinh từ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 97% trở lên…