Ngay sau Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ II và sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020”; “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”; Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng ATK và vùng DTTS đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020”…
Sau 5 năm (2014-2019) thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, với hơn 6.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn, các chính sách, dự án được triển khai đã góp phần kiện toàn kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng vùng DTTS và miền núi, tạo chuyển biến quan trọng, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi của tỉnh Thái Nguyên.
Điển hình như, Chương trình 135 với nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2014-2019 là 676,36 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai xây dựng 771 công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, nước sinh hoạt... tạo điều kiện để người dân vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện thuận lợi trong giao thương, sản xuất.
Triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, các ban, ngành chức năng của tỉnh cũng đã xây dựng 268 dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật... cho 30.481 lượt hộ, tạo điều kiện tích cực cho đồng bào các dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất... Đã có 12 xã ra khỏi diện ĐBKK hưởng Chương trình 135 (tương ứng với 25%). Huyện Võ Nhai cũng đã đủ điều kiện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo (huyện 30a); 61/114 xã trong vùng đạt chuẩn nông thôn mới (gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước đối với vùng DTTS và miền núi); cơ bản xóa 76/76 xóm bản “trắng điện” và thiếu điện lưới quốc gia; xóa toàn bộ 33/33 phòng học tạm tại vùng ĐBKK.
Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 6,39% (20.705 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 7,66% (24.818 hộ). Đối với 124 xã, thị trấn vùng DTTS và miền núi tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện có 14.987 hộ nghèo trên tổng số 180.551 hộ, chiếm 8,3%, giảm bình quân 3,64%/năm, giảm gấp hơn 1,5 lần so với bình quân chung toàn tỉnh...
Kinh tế phát triển, đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các DTTS cũng được nâng lên rõ rệt, công tác gìn giữ, bảo tồn và phục dựng các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc được quan tâm thực hiện. Đến nay tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành công tác bảo tồn hát soọng cô của dân tộc Sán Dìu tại xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ và xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên; phục dựng lễ cấp sắc của người Dao ở huyện Phú Lương… Tỉnh Thái Nguyên hiện có 15 di sản tiêu biểu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đặc biệt, di sản nghi lễ hát Then đang đệ trình UNESCO xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, giai đoạn 2019-2024, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu sẽ giảm nhanh các xã ĐBKK; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm cao hơn bình quân toàn tỉnh. Đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững và tăng cường quốc phòng, an ninh ổn định trật tự an toàn xã hội ở vùng DTTS và miền núi…
Ths Nguyễn Thái Nam-Trưởng ban Dân tộc tỉnh