Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, năm 2024: Chút tâm tư của đồng bào các dân tộc

Tào Đạt - 07:32, 30/10/2024

Diễn ra trong 2 ngày (29-30/10), Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, năm 2024 với nhiều ý nghĩa chính trị quan trọng, là diễn đàn ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; cổ vũ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận cao của đồng bào DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng. Dịp này đồng bào gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và bày tỏ nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng với Đảng và Nhà nước.

Các đại biểu tham dự Đại hội
Các đại biểu tham dự Đại hội

Đại đức Danh Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Vĩnh Thuận, Trụ trì chùa Đồng Tranh: Chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc

Hòa thượng Danh Dung
Đại đức Danh Dung

Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống của đồng bào Khmer như đua ghe ngo, hội thi văn nghệ truyền thống được quan tâm tổ chức. Lễ hội Óc Om Bóc của đồng bào Khmer được nâng cấp thành Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch cấp tỉnh; Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Dolta truyền thống của đồng bào Khmer, tỉnh đều tổ chức họp mặt cho tổ chức, cá nhân tiêu biểu là đồng bào dân tộc Khmer; tổ chức đoàn đi thăm, chúc mừng và tặng quà cho các chùa hệ phật giáo Nam tông Khmer, các vị chức sắc, gia đình chính sách...

Thế nhưng, việc bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer vẫn đang còn những khó khăn do thiếu điều kiện hoạt động và thế hệ kế thừa. Do đó, tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục mở các lớp dạy về múa hát, biểu diễn nhạc ngũ âm gắn với việc đào tạo việc làm cho đồng bào Khmer. Đồng thời, chính quyền các cấp có thể nghiên cứu hỗ trợ kinh phí cho câu lạc bộ văn nghệ Khmer tại các chùa để mua sắm trang phục, nhạc cụ phục vụ cho việc biểu diễn dịp lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer tại địa phương.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, năm 2024 có ý nghĩa chính trị quan trọng
Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, năm 2024 có ý nghĩa chính trị quan trọng

Bà Mông Thị Ngọc Bích, dân tộc Nùng, chuyên viên Văn phòng Tỉnh đoàn Kiên Giang: To điều kiện cho đồng bào tiếp cận khoa học công nghệ

Bà Mông Thị Ngọc Bích
Bà Mông Thị Ngọc Bích

Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III, năm 2019, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS trên địa bàn ngày càng ấm no. Cùng với đó, diện mạo nông thôn và đô thị cũng có những thay đổi rõ rệt.

Cơ sở hạ tầng cho giáo dục và đào tạo cũng được đầu tư sửa chữa và xây dựng mới với nhiều trang thiết bị hiện đại. Cùng với sự quan tâm lớn đến từ các cấp, các ngành của tỉnh, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng nâng lên.

Là đại diện của bà con DTTS đến dự Đại hội, tôi mong rằng, các ngành, các cấp quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số cho người dân. Đặc biệt, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học và công nghệ, để mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đời sống và sản xuất…

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại Đại hội
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại Đại hội

Ông Phù Chí Thọ, dân tộc Hoa, Bí thư Chi bộ khu phố 4, phường Dương Đông (TP. Phú Quốc): Nâng cao trình độ văn hóa đồng bào DTTS

Ông Phù Chí Thọ
Ông Phù Chí Thọ

Nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng bào Hoa sinh sống trên địa bàn TP. Phú Quốc chúng tôi được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Từ đó, đời sống và trình độ văn hóa của đồng bào Hoa trên địa bàn thành phố được cải thiện.

Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho đồng bào Hoa ở TP. Phú Quốc, để đồng bào Hoa cải thiện đời sống, nâng cao trình độ văn hóa, nhất là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Hoa. Đảm bảo, đồng bào Hoa địa bàn tỉnh nói chung và đồng bào Hoa trên địa bàn TP. Phú Quốc có điều kiện đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Danh Mây, dân tộc Khmer, trú tại khu phố 4, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên: Tạo cơ chế, xây thêm trường lớp để dạy ngôn ngữ dân tộc

Ông Danh Mây
Ông Danh Mây

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Nhờ được đầu tư quan tâm, những nét văn hóa đẹp của đồng bào Khmer đang sinh sống tại thị trấn Thứ Ba đều được bảo tồn và phát huy.

Tuy nhiên, ở thị trấn Thứ Ba hiện đang thiếu trường dạy chữ Khmer cho con em đồng bào. Do đó, tôi mong rằng, trong thời gian tới, chính quyền địa phương tạo điều kiện mở thêm trường lớp để con em đồng bào Khmer được học ngôn ngữ truyền thống của dân tộc mình và  quan tâm hơn nữa đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc để khích lệ đội ngũ này tiếp tục đóng góp cho nhiệm vụ bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS.

Tin cùng chuyên mục