Theo báo cáo, thực hiện các chương trình, chính sách, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Đắk Lắk triển khai đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình MTQG). Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ khoảng 5.590 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để thực hiện 3 Chương trình MTQG, tỉnh bố trí đối ứng 1.420 tỷ đồng.
Từ nguồn ngân sách, tỉnh Đắk Lắk đầu tư nhiều công trình giao thông, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ đồng bào DTTS; đầu tư các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư.
Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2020, thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện hỗ trợ đất ở cho 107 hộ; đất sản xuất cho 468 hộ; 2.335 bồn nhựa chứa nước và thực hiện dự án định canh định cư xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc bố trí sắp xếp ổn định cho 148 hộ đồng bào dân tộc Xơ Đăng.
Giai đoạn 2021 - 2024, chính sách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được tích hợp vào Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ 2021 - 2025 (gọi là Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ nhà ở cho 523 hộ, đất ở cho 4 hộ; đầu tư 16 dự án ổn định, sắp xếp dân cư tại chỗ cho đồng bào DTTS ở 8 huyện; hỗ trợ chuyển đổi từ nghề kinh phí sự nghiệp cho khoảng 2.200 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán trên 7.300 hộ. Bên cạnh đó, Chương trình giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ nhà ở cho 1.788 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Về an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng cho 1.163 hộ tại 29 xã của 5 huyện. Ngoài ra, Chương trình giảm nghèo bền vững cũng triển khai 69 mô hình giảm nghèo với sự tham gia của 1.642 hộ. Bước đầu hình thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 176 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; 34 doanh nghiệp và 276 trang trại, gia trại tham gia liên kết với doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển 1 làng nghề chế biến nông lâm thủy sản với 73 cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động tại làng nghề theo hình thức HTX.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng, Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư, xây dựng mới 157 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và duy tu bảo dưỡng 174 công trình trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Từ lồng ghép với các Chương trình MTQG, đến nay cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc. Cụ thể: 74,96% đường xã đã được nhựa nhóa, bê tông hóa; 65,97% đường thôn, buôn và đường liên thôn, buôn được cứng hóa; 45,19% trục chính đường nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện; công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng được phần lớn diện tích cây trồng có nhu cầu tưới trong tỉnh; hệ thống lưới điện được đầu tư nâng cấp; 94,23% hộ đồng bào DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh.
Toàn tỉnh hiện có 78 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thành phố Buôn Ma Thuột.
Cùng với chính sách đầu tư hỗ trợ an sinh xã hội, phát triển hạ tầng, giảm nghèo bền vững, tự do, tín ngưỡng vùng đồng bào DTTS luôn được bảo đảm; giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng; các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống tiếp tục được được bảo tồn, phát huy; hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS được củng cố, kiện toàn và ngày càng phát huy hiệu quả; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường…
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn cao, số hộ thoát nghèo tăng nhưng chưa bền vững; cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập; công tác phối hợp thực hiện một số chương trình, chính sách giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện chưa đồng bộ; vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở giải quyết chưa hiệu quả; tình hình an ninh nông thôn trên một số địa bàn còn tiềm ẩn nhân tố phức tạp, các loại tội phạm ma túy, trộm cắp, cờ bạc, tín dụng đen trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi…
Hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu giai đoạn tới, phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, xóa bỏ tập tục lạc hậu gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào DTTS; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Cụ thể, đến năm 2029, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng gấp 1,5 lần so với hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân từ 3 - 4%/năm; đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; nhựa hóa, bê tông hóa 98% các tuyến đường tỉnh, 97% các tuyến đường huyện, 75% các tuyến đường xã và liên xã; 97,8% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình được sử dụng điện…
Tại Đại hội, các đại biểu tham dự đã nghe báo cáo tham luận của các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trong tuyên truyền vận động Nhân dân vùng DTTS; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông ghi nhận và chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua. Đặc biệt biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào các DTTS đã chung sức, đồng lòng, thực hiện công cuộc đổi mới, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk quan tâm chỉ đạo, tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm: Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc; triển khai thực hiện hiệu quả các Kết luận Bộ Chính trị, Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quyết định của Chính phủ.
Đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS vững mạnh; nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực của vùng đồng bào DTTS. Quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng nếp sống văn minh. Chủ động xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.
Đối với đồng bào DTTS, Thứ trưởng Y Thông mong muốn, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường của các dân tộc và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV, năm 2024.
Tại Đại hội, thừa ủy quyền lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” của Ủy ban Dân tộc cho 4 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển các dân tộc Việt Nam; tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 1 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 27 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019 - 2024.