Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Giang lần thứ IV, năm 2024

Thanh Bình - 08:24, 30/11/2024

Ngày 29/11, tại Tp. Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Giang lần thứ IV, năm 2024 diễn ra với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn, cùng đại diện các vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc tham dự.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr phát biểu tại Đại hội

Về phía tỉnh Bắc Giang có: Trung tướng Nguyễn Văn Gấu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn; đại diện các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và 238 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 26 vạn đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có gần 2 triệu người, trong đó có 45 thành phần DTTS, chiếm tỷ lệ trên 14% dân số của tỉnh. Trong đó, có 6 thành phần DTTS có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng, gồm: Dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (gồm các nhóm địa phương Cao Lan, Sán Chỉ) và Dao, còn lại là 39 thành phần DTTS khác với số dân rất ít, chủ yếu tăng cơ học, cư trú rải rác ở các địa phương. Có 4 huyện đông người DTTS, gồm: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.

Quang cảnh Đại hội
Quang cảnh Đại hội

Cộng đồng các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và đạt kết quả rất phấn khởi, là nền tảng quan trọng trong thực hiện các chính sách dân tộc, thúc đẩy sự phát triển trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh với nhiều kết quả tích cực: Giai đoạn 2019 - 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt khoảng 14,3%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) tăng liên tục qua các năm; năm 2019 đạt 105,5 nghìn tỷ đồng, đến năm 2023 đạt hơn 181 nghìn tỷ đồng (đứng thứ 12 cả nước); dự kiến năm 2024 đạt 209 nghìn tỷ đồng; nguồn lực tập trung đầu tư, xây dựng với tổng số vốn đạt khoảng 8.000 tỷ đồng.

Tổng số vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện hỗ trợ chính sách đầu tư đạt trên 5.000 tỷ đồng, để phục vụ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), các chính sách về giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia.

Kinh tế lâm nghiệp ngày càng phát triển, đã hình thành vùng gỗ nguyên liệu tập trung với quy mô lớn trên 80.000ha, trong đó có 200ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn; có gần 55.000 hộ trồng rừng kinh tế, 745 hộ nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng. Đã trồng rừng tập trung được trên 45.000ha, trong đó có gần 17.000ha rừng kinh tế được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC), làm tăng giá trị rừng trồng từ 10 - 15% so với phương pháp truyền thống, nâng tỷ lệ diện tích che phủ rừng từ 36,8% năm 2019 lên 37,8% năm 2023, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội
Tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội

Đã triển khai 37 nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cấp tỉnh và 3 đề tài cơ sở phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 75.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vùng đồng bào DTTS được vay vốn với tổng số tiền giải ngân trên 4.020 tỷ đồng, để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo sinh kế, ổn định cuộc sống; góp phần giúp cho trên 30.000 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho gần 20.000 lao động; trên 3.000 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa hơn 90 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây mới hơn 1.000 căn nhà ở cho hộ nghèo.

Các xã vùng đồng bào DTTS có đủ 3 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học tương đối cao. Các huyện có đông đồng bào DTTS có ít nhất 3 trường THPT và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Tỉnh có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú (trong đó 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và 4 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, 5/5 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 100%), 4 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp THCS (4/4 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 100%).

Hệ thống trường lớp học vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được đầu tư khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu đào tạo học sinh người DTTS. Các chế độ, chính sách đối với người dạy, người học vùng đồng bào DTTS được thực hiện đầy đủ theo quy định.

Thứ thưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội
Thứ thưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào DTTS được quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Ngành Y tế đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho cán bộ y tế vùng khó khăn; quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô giường bệnh các trạm y tế các huyện: Sơn Đông, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên thế, Lạng Giang.

Đến nay, 99,5% thôn, bản thuộc các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhà văn hóa, trong đó tỷ lệ nhà văn hóa đạt chuẩn là 70,6%. Có 1 cá nhân là người DTTS được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và 14 cá nhân là người DTTS được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể. Đã biên tập các bộ sách song ngữ Việt - Tày, Nùng đưa vào giảng dạy ở các trường dân tộc nội trú; tổ chức các khóa học tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức.

Không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 21,9% năm 2021 xuống còn 13,57% năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm từ 11,93% năm 2021 xuống còn 6,5% năm 2023.

Tổng số tuyển sinh các trình độ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước thực hiện giai đoạn 2020 - 2024 là 148.699 người (đạt 103% chỉ tiêu kế hoạch); hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022 - 2024 là 2.193 triệu đồng (đạt 100% kế hoạch); nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường, hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn. Hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%.

Thứ thưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr trao tặng Kỷ niệm chương cho 5 cá nhân và Bằng khen của Ủy ban Dân tộc cho một tập thể cùng 5 cá nhân đã có thành tích trong công tác dân tộc
Thứ thưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr trao tặng Kỷ niệm chương cho 5 cá nhân và Bằng khen của Ủy ban Dân tộc cho một tập thể cùng 5 cá nhân đã có thành tích trong công tác dân tộc

Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người DTTS nói riêng ngày càng được nâng lên, đạt chuẩn về trình độ theo vị trí việc làm. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong của tỉnh là 4.806/41.144 người (đạt 11,68%).

Đến nay, tỉnh có 523 Người có uy tín trong đồng bào DTTS, làm hạt nhân tiêu biểu giúp cấp ủy, chính quyền triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện đại đoàn kết dân tộc ở địa phương. Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã tham gia trên 2.200 cuộc vận động, tuyên truyền, hòa giải ở cơ sở. Qua đó đã vận động các hộ dân hiến trên 426.000m2 đất để làm đường giao thông, xây dựng trường học, làm nhà văn hóa và xây dựng các công trình phúc lợi; hòa giải được hàng trăm hộ tranh chấp đất đai; vận động, hòa giải trên 100 vụ bạo lực gia đình; trên 700 lần hòa giải các tranh chấp cá nhân, không để dẫn tới khiếu kiện vượt cấp.

Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III và triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Kinh tế vùng đồng bào DTTS có bước phát triển mạnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện; 100% các hộ được sử dụng điện; 100% số xã vùng đồng bào DTTS, miền núi xe ô tô đã vào được trung tâm kể cả mùa mưa; tỷ lệ đường trục xã nhựa hóa, bê tông hóa đạt 98,31%, đường trục thôn, liên thôn đạt 98%, đường ngõ, xóm đạt 92,76%; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt 100%; các công trình thủy lợi vừa và nhỏ được đầu tư bảo đảm tưới tiêu cho 98% diện tích trồng lúa nước; tỷ lệ các xã vùng đồng bào DTTS có nhà văn hoá xã đạt 100%, nhà văn hóa thôn bản đạt 99,5%. 

Lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư; văn hóa truyền thống của các DTTS được bảo tồn và phát huy. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 2 - 2,5%/năm. Đến nay có 42/73 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 57,5%. Thu nhập bình quân người DTTS đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm. Đồng bào các DTTS đã có sự chuyển biến về nhận thức, cùng sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu đã tạo thành các phong trào sản xuất, làm kinh tế trong hầu hết các lĩnh vực. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường và củng cố, đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng, đổi mới trong công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và ý thức của cán bộ, đảng viên trong tỉnh về công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc.

Mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua nhưng vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa vùng dân tộc và các vùng khác trong tỉnh, giữa các thành phần dân tộc còn cao; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao (năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo người DTTS là 6,5%, cao gấp gần 2,5 lần tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh); tỷ lệ hộ nghèo 24 xã đặc biệt khó khăn là 13,57%, cao gấp 5,15 lần tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh 2,63%).

Các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đại biểu dự Đại hội chụp ảnh lưu niệm
Các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đại biểu dự Đại hội chụp ảnh lưu niệm

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Giang lần thứ IV, năm 2024 đại diện cho ý chí và nguyện vọng của đồng bào các DTTS của tỉnh, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2024 - 2029, như sau:

Quyết tâm thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động con em đồng bào tham gia học tập, để nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và phát triển tài năng; thực hiện nếp sống văn minh, gia đình, làng, bản văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc;

Cùng với Nhân dân, đồng bào các DTTS tỉnh tích cực tham gia vào các phong trào xã hội, phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, nhất là cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực nhằm xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong sạch, vững mạnh;

Nguyện chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng giàu đẹp và văn minh; phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững; tập trung tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, quản lý bảo vệ và phát triển rừng, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, thi đua làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ thưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr gợi ý một số nội dung:

Thứ nhất, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị -xã hội tiếp tục lãnh đạo, tổ chức tốt việc nghiên cứu và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc;

Thứ hai, tiếp tục quan tâm đảm bảo thực hiện hiệu quả và thực chất trong thực thi các chính sách dân tộc, từng bước thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa các khu vực; tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đa dạng hóa các nguồn lực huy động để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn kết chặt chẽ với 2 Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững;

Thứ ba, tiếp tục tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS vững mạnh, trong đó có giải pháp tăng cường cụ thể đối với xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng có các cộng đồng DTTS sinh sống xen kẽ, vùng có nhiều tín đồ các tôn giáo; tập trung đầu tư, kiên trì thực hiện đồng bộ các mục tiêu, biện pháp về nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực của vùng đồng bào DTTS theo tinh thần Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ;

Thứ tư, thường xuyên chú trọng nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các địa bàn xung yếu, biên giới, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; không ngừng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc; không ngừng vun đắp, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ động phòng ngừa các âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hoà bình”, chia rẽ, kích động của các thế lực thù địch. Tăng cường thực hành dân chủ ở cơ sở, sâu sát, nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết tốt mọi mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở; tạo sự đồng thuận, xây dựng bản, làng đoàn kết, bình yên và phát triển. 

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...