Xã Quảng Hòa tách từ xã Quảng Sơn, huyện Đăk G’long năm 2008. Toàn xã có 7 thôn, 90% dân số là đồng bào DTTS, trong đó có hơn 70% là đồng bào Mông sinh sống trong các thung sâu, bìa rừng heo hút.
Chúng tôi gặp chị Vàng Thị Sùng, 36 tuổi, ở thôn 11 đang lấy cỏ cho bò ăn; mấy đứa con của chị nô nhau trước sân. Chị Sùng bảo chị không nhớ đã lấy chồng năm bao nhiêu tuổi, chỉ biết lúc sinh con, tay chân còn lóng ngóng không biết bế bồng. Giờ vợ chồng chị đã có 6 đứa con, đứa lớn nhất năm nay 20 tuổi đang học ngành Thú y ở TP. Gia Nghĩa, những đứa còn lại đều đang học trường Tiểu học, THCS ở xã.
“Tầm tuổi mình ở đây nhà nào cũng có 5 - 6 đứa con, có nhà chục đứa. Nghĩ chuyện bản thân không biết chữ, chồng cũng chỉ biết sơ sơ, nhà thì ít rẫy, cuộc sống gặp khốn khó trăm bề, nên hai vợ chồng vừa làm rẫy rồi tranh thủ làm thuê cố gắng nuôi các con ăn học”, chị Sùng chia sẻ.
Việc lấy vợ, lấy chồng của người Mông rất đơn giản, chỉ cần thích nhau, dắt về nhà, rồi bảo bố mẹ mang lễ đến hỏi là thành vợ chồng. Tuổi 15 - 16 chưa lấy chồng, lấy vợ đã gọi là ế, nên nhiều em đang đi học cũng bỏ ngang để lo chuyện trăm năm.
Thầy Lê Văn Lương, giáo viên Trường THCS Quảng Hòa cho biết, vừa bước vào học kỳ 2 chưa lâu nhưng lớp 9B của thầy có 5 em, cả nam lẫn nữ bỏ học để cưới vợ, lấy chồng. Khi nắm được thông tin, Ban Giám hiệu nhà trường và thầy đến nhà các em vận động gia đình cho học sinh đi học trở lại. Đến nay, các em đã trở lại trường, chỉ còn 2 em lấy chồng xa là không liên hệ được.
Ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: Tình trạng tảo hôn diễn ra nhiều năm qua. Khi tổ chức cưới chưa đủ tuổi, những cặp vợ chồng này không đến tư pháp xã đăng lý kết hôn. Nhiều trường hợp khi chính quyền kịp thời phát hiện và trực tiếp đến tận nhà nhắc nhở, thậm chí lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng rồi đâu lại vào đó.