Bà Nguyễn Thị Tồn, thôn Thạch Sơn, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên cho biết, theo lời ông bà kể, thì loại cá bỗng này đã có trong ao của hầu hết đồng bào Tày, tính ra cả gần 100 năm nay.
Theo những người lớn tuổi trong thôn kể, cá bỗng vốn là loài cá tự nhiên, sống ở các con sông lớn thuộc vùng núi phía Bắc, như tại sông Lô, sông Gâm. Cá bỗng được coi là đặc sản, bởi có giá trị dinh dưỡng cao và là 1 trong 5 loại cá tiến vua xưa (cá lăng, cá anh vũ, cá dầm xanh, cá chiên và cá bỗng). Chính vì có giá trị cao, nên trước kia, cá bỗng thường chỉ được đồng bào dân tộc Tày ở Hà Giang chế biến vào mỗi dịp có khách quý, hay những ngày lễ, tết.
Tuy nhiên, sau này, qua quá trình tìm hiểu, thử nghiệm, các hộ đồng bào Tày bắt đầu đưa loại cá này vào ao, nuôi theo phương pháp truyền thống của người Tày. Thức ăn của cá bỗng chủ yếu là rau, cỏ, hay các phụ phẩm nông nghiệp, hầu hết được người dân tận dụng thay vì sử dụng thức ăn công nghiệp. Dù dễ nuôi, nhưng không phải ở đâu cũng nuôi được cá bỗng. Tại xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên), chỉ có hai thôn Thanh Sơn và Nà Sát mới đủ điều kiện nuôi cá bỗng.
Theo ông Lục Xuân Vần, hộ gia đình nuôi cá lớn nhất huyện Vị Xuyên, thì để nuôi được cá bỗng, bên cạnh nguồn nước sạch, cần phải có nguồn nước suối chảy liên tục. Muốn nhân giống loại cá này, cần có ao nuôi riêng biệt giữa cá lớn và cá bé. Khi cá bé đủ lớn mới chuyển sang nuôi thương phẩm.
"Hiện trong ao nhà tôi luôn duy trì khoảng hơn 400 con cá có tuổi 2 - 5 năm. Cá phải đạt đủ thời gian nuôi tối thiểu 2 năm và đạt trọng lượng trên 2kg mới có thể bán. Giá thị trường hiện nay dao động khoảng 250 - 300 nghìn đồng/kg. Mỗi năm tôi xuất bán, thu về trên 200 triệu đồng”, ông Vần cho biết.
Dù các địa phương khác trên địa bàn huyện Vị Xuyên không nuôi được cá bỗng, nhưng nhiều hộ đang có thu nhập khá giả, từ việc đưa cá bỗng trở thành món ăn đặc sản, ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, hấp dẫn du khách du.
Anh Cao Thành Trung, du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: “Nghe nói về đặc sản cá bỗng từ lâu, nhưng lên Hà Giang lần này mới có cơ hội thử. Món cá này được bà con chế biến thành 5 món, kể cả vây cá cũng được rang giòn ăn rất ngon và lạ miệng. Với hơn 1 triệu đồng cho bữa ăn 5 - 6 người, tôi cảm thấy hoàn toàn phù hợp”.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Nhận thấy giá trị kinh tế và tiềm năng lớn từ nuôi cá bỗng, địa phương đang xây dựng, phát triển cá bỗng trở thành sản phẩm chủ lực theo hướng OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Theo đó, vận động, khuyến khích các hộ nuôi cá bỗng theo mô hình nhỏ lẻ, chưa đạt chuẩn quy mô chuyển dần theo hướng nuôi hàng hóa và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi. Huyện đang tập trung hướng dẫn người dân mở rộng thêm ao, nuôi tập trung theo quy trình chuẩn. Hiện toàn huyện Vị Xuyên đã có khoảng 100 hộ gia đình phát triển mô hình nuôi cá bỗng thương phẩm theo hướng hàng hóa; mỗi năm các hộ có thu nhập từ 90 triệu đồng đến 300 triệu đồng tùy vào số lượng cá đạt chuẩn được bán ra thị trường.
Được biết, tháng 5/2021 vừa qua, tỉnh Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00105 cho sản phẩm cá bỗng Hà Giang...