Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đặc sắc Lễ hội Mường Đòn xứ Thanh

Quỳnh Trâm - 18:20, 08/02/2023

Sáng 8/2 (tức ngày 18 tháng Giêng năm Quý Mão 2023), tại xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã khai mạc Lễ hội Mường Đòn, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách thập phương về tham dự.

Đại diện Ban Tổ chức Lễ hội Mường Đòn đánh trống Khai hội
Đại diện Ban Tổ chức Lễ hội Mường Đòn đánh trống Khai hội

Lễ hội Mường Đòn nhằm tưởng nhớ công lao khai ấp, lập mường của ông Vũ Duy Dương và em gái Vũ Thị Cao, quê ở làng Yên Mạc, Yên Mô (Ninh Bình). Theo sử sách ghi lại, ông Vũ Duy Dương là một võ tướng, có công phò nhà Lê diệt nhà Mạc, tuy nhiên ông bị mưu sát giữa đám hỗn quân. Sau khi bị mưu hại, tướng quân bám chặt mình ngựa, đến vùng đất Mường Đòn thì người và ngựa kiệt sức anh dũng hy sinh, dân làng thấy vậy nên đã chôn cất và lập đền thờ cúng tế.

Theo các sắc phong còn lưu giữ tại đình Mường Đòn, thì ông Vũ Duy Dương là Tổng trấn giữ vùng đất phía Tây Thanh Hóa - một tướng tài dưới thời vua Lê Trang Tông, được ban sắc phong là Bạch Mã Linh Lang Thượng đẳng thần và được dân làng tôn là Thành hoàng của làng Mường Đòn, đồng thời tôn làm cụ tổ của dòng họ mình.

Nghi thức cúng tế trong Lễ hội
Nghi thức cúng tế trong Lễ hội

Bà Vũ Thị Cao khi biết anh trai mình dựng binh phò Lê diệt Mạc ở vùng núi xứ Thanh, đã khăn gói từ đất Yên Mạc vào Thanh Hóa. Vào đến nơi, biết tin anh trai hy sinh, bà đã ở lại hương khói cho anh, cùng bà con giết giặc, xây dựng bản mường cho đến lúc mất. Bà được truy phong tước danh “Quế Hoa Nương vô phu quân thường tòng huynh binh tặc” và được Nhân dân lập đền thờ cúng tại thôn Vân Phong, gọi là đền Bà. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những công trạng của ông, bà vẫn được các thế hệ người Mường Đòn tôn vinh, ghi nhớ.

Theo đó, hằng năm, từ 17 - 19 tháng Giêng, Nhân dân Mường Đòn tổ chức lễ hội, tế rước trọng thể với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao phong phú, đa dạng, như: Ngày lễ chính (tức ngày 18 tháng Giêng), dân làng cử ra một đội hành lễ ăn mặc chỉnh tề, tập trung tại sân đình rồi cùng các vị cao niên, trưởng Mường đến nhà ông thủ từ để đưa bát hương, đồ nghi trượng, tráp đựng sắc phong về đình làng để làm lễ khai hội. Tiếng cồng chiêng, tiếng người dự hội rộn vang khắp bản Mường.

Kiệu Ông, kiệu Bà được rước từ đình Mường Đòn về đền Ông, đền Bà thực hiện tế lễ
Kiệu Ông, kiệu Bà được rước từ đình Mường Đòn về đền Ông, đền Bà thực hiện tế lễ

Phần lễ được cử hành trang nghiêm, chủ tế khẩn thỉnh Thành hoàng làng Vũ Tướng quân rồi đọc bài văn tế ca ngợi công trạng của ông, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng đoàn kết, mọi nhà được ấm no, quê hương bình yên.

Phần hội diễn ra các trò chơi dân gian như đánh mảng, ném còn, chơi đu, kéo co, bóng đá, chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ đặc sắc… diễn ra thâu đêm, suốt sáng. Nổi bật nhất đó là làn hát tuồng cổ do chính người dân trong thôn, bản thể hiện. Ngày thường họ là những nông dân chân lấm, tay bùn, nhưng đến ngày hội, họ là những nghệ nhân hát tuồng với đủ làn điệu, ca ngợi công đức ngài Vũ Duy Dương, ca ngợi quê hương, đất nước. Đó chính là nét văn hóa dân gian đặc trưng, độc đáo mà bà con Mường Đòn còn lưu giữ đến nay.

Nghi thức rước kiệu là một trong những hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Mường Đòn
Nghi thức rước kiệu là một trong những hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Mường Đòn

Được biết, Lễ hội Mường Đòn là 1 trong 5 lễ hội trên cả nước được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định về việc tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS năm 2022. Mục đích của việc bảo tồn nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của các chủ thể văn hóa và các tổ chức, cá nhân có liên quan; khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc; giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương; đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Một số hình ảnh tại lễ hội Mường Đòn

Các đại biểu về dự Lễ khai mạc Lễ hội
Các đại biểu về dự Lễ khai mạc Lễ hội
Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ khai hội của thiếu nhi địa phương
Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ khai hội của thiếu nhi địa phương
Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ khai hội của đồng bào địa phương
Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ khai hội của đồng bào địa phương
Tiết mục cồng chiêng khai mạc Lễ hội
Tiết mục cồng chiêng khai mạc Lễ hội
Bóng chuyền là một trong các hoạt động thể thao tại Lễ hội Mường Đòn
Bóng chuyền là một trong các hoạt động thể thao tại Lễ hội Mường Đòn
Đông đảo người dân và du khách tham gia Lễ hội
Đông đảo người dân và du khách tham gia Lễ hội
Đông đảo người dân và du khách tham gia Lễ hội
Đông đảo người dân và du khách tham gia Lễ hội
Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.