Covid đã qua đỉnh dịch
Hà Nội vốn được coi là “rốn dịch” của cả nước, đến nay cũng đã “hạ nhiệt”. Một tuần trở lại đây, số ca mắc Covid-19 của Hà Nội đã giảm 1/3 so với thời gian đỉnh dịch. Nhiều chuyên gia nhận định đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội và cả nước phòng chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (nguy hiểm) để sớm ổn định đời sống - xã hội, phát triển kinh tế.
Trên thực tế, 3 tuần vừa qua, Hà Nội đã dừng công bố cấp độ dịch Covid-19. Giới hạn 21 h đóng cửa đã được Hà Nội "cởi bỏ" cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn uống để trở lại hoạt động bình thường. Từ ngày 18/3, quận Hoàn Kiếm cũng mở lại các không gian phố đi bộ trên địa bàn.
Tuy nhiên, các "ngành nghề đặc biệt" như karaoke, vũ trường, massage vẫn "án binh bất động". Hiện thành phố vẫn chưa cho phép các dịch vụ kinh doanh có điều kiện này hoạt động trở lại.
Bao quát về tình hình dịch ở thởi điểm này, PGS.TS. Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, số ca nhiễm Covid-19 cao nhưng chúng ta không bị quá tải hệ thống y tế, số chuyển nặng cũng không nhiều, số nhập viện cũng như số tử vong không cao, do chúng ta đã tiêm vắc xin trên toàn quốc đạt tỷ lệ cao, năng lực hệ thống y tế được nâng lên, công tác chống dịch cũng đã có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, hiểu biết phòng bệnh của người dân cũng được nâng lên.
Đã đến lúc cần có cách tiếp cận khác với Covid-19 là quan điểm của PGS.TS. Trần Đắc Phu.
Cần ứng phó linh hoạt
PGS.TS. Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho biết, đến thời điểm này Covid-19 không nên xem là đại dịch nữa, mà xem như một bệnh chuyên khoa. Khác với cúm, nên xem Covid-19 là một bệnh thông thường của một bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, chúng ta không nên đếm ca mắc Covid-19 ở thời điểm hiện tại. Bởi đa số trường hợp người dân ở nhà, tự test nhanh dương tính rồi điều trị, nên không thống kê được. Người có bệnh tự mua thuốc chữa, hết 7 ngày cách ly, test âm tính thì tự động đi làm. Còn có một bộ phận người lao động F0 không triệu chứng vì vấn đề “cơm áo gạo tiền” không khai báo tình trạng bệnh để tiếp tục mưu sinh.
Đặc biệt, việc tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu là vô cùng quan trọng với đời sống xã hội. Người dân cần được trở lại cuộc sống bình thường, ít nhất, không còn cảnh xếp hàng dài chờ giấy chứng nhận F0, liên tục phải cách ly. Học sinh cũng không đi học vài ngày, có ca nhiễm lại phải nghỉ, kéo theo cha mẹ nghỉ làm chăm sóc con.
PGS.TS. Trần Đắc Phu cho rằng: Nên xem xét “tư cách đặc thù” đối với Covid-19. Nghĩa là, tuy đã chuyển Covid-19 sang “nhóm B”, nhưng tùy vào tình hình dịch tễ cụ thể (tỷ lệ bệnh nhân trở nặng, số ca tử vong) ở những địa bàn cụ thể mà chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp phòng, chống nhất định như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A. Với Covid-19, cách thức chống chọi phải được áp dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo, không rập khuôn, cứng nhắc theo lý thuyết.
Việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng, chống dịch, giảm áp lực lên các cơ sở y tế, nhân viên y tế. Cụ thể, người bệnh phải tự trả chi phí điều trị hoặc bảo hiểm y tế thanh toán theo luật định.
Tuy nhiên, một vấn đề nữa mà chuyên gia truyền nhiễm này cho biết, là các địa phương có số ca nhiễm cao trong thời gian qua sẽ có xu hướng giảm. Nhưng ông cũng khuyến cáo là các tỉnh có người dân chưa nhiễm, đặc biệt là nơi nhiều người chưa nhiễm, thì dịch sẽ có nguy cơ lây lan. Và trong thời gian qua, cũng có rất nhiều người đã nhiễm rồi thì vẫn tái nhiễm, nên chúng ta không được lơ là, vẫn cần cảnh giác trong việc giám sát các biến chủng của SARS CoV-2 dù bệnh này là nhóm A hay nhóm B.