Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đa dạng hóa sinh kế để thoát nghèo bền vững

Cam Phúc - 08:37, 28/05/2023

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được phân bổ nguồn vốn khoảng 75.000 tỷ đồng. Trọng tâm của Chương trình là tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất, phù hợp với nhu cầu trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Đó sẽ là đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Người dân Mường Chà, Điện Biên trồng dứa mang lại thu nhập ổn định.
Người dân Mường Chà, Điện Biên trồng dứa mang lại thu nhập ổn định

Phát huy hiệu quả từ mô hình đa dạng hóa sinh kế

Trong những năm qua, đã xuất hiện rất nhiều mô hình sinh kế giúp giảm nghèo hiệu quả và hầu hết xuất phát từ các đề tài nghiên cứu của các trường đại học, cơ sở nghiên cứu thuộc các cơ quan Trung ương, địa phương, của doanh nghiệp, các thanh niên ở các địa phương nghèo khởi nghiệp… Tiêu biểu như: mô hình sinh kế bền vững cho các dân tộc thiểu số khu vực Tây Thanh Hóa; mô hình sinh kế thông minh gắn với biến đổi khí hậu trong chăn nuôi gà theo hướng sử dụng đệm lót sinh học ở huyện Tiểu Cần, Trà Vinh; mô hình trồng cây kiệu ở huyện Ba Bể, Bắc Kạn, mô hình du lịch cộng đồng của một số thanh niên người Dao ở huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang…

Điển hình như tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, Hội LHPN huyện Vĩnh Lợi đã có cách làm hay để đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo. Hội đã nhận đỡ đầu hộ nghèo và đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để tạo nguồn lực phát triển sinh kế cho chị em phụ nữ nghèo, Hội đã thành lập 27 tổ hùn vốn với hơn 400 thành viên, tổng số tiền hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, mua sắm phương tiện sản xuất hàng trăm triệu đồng. Hội cũng đã thành lập 7 tổ hợp tác, HTX có 125 thành viên để giải quyết việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, Hội còn nhân rộng nhiều phong trào thi đua giúp nhau giảm nghèo thiết thực như: Giải quyết việc làm nâng cao thu nhập từ nghề đan đát, hàng thủ công mỹ nghệ, phát triển vườn rau, ao cá, cây ăn trái, cạo hạt điều …

Chị Nguyễn Thị Xuân (ấp Trần Nghĩa, xã Vĩnh Hưng) cho biết: “Gia đình tôi có gần 2 công đất sản xuất nhưng trồng lúa kém hiệu quả, lại thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất nên kinh tế gia đình luôn gặp khó khăn. Khi được Hội Phụ nữ giới thiệu vay 40 triệu đồng, tôi đã cải tạo đất, đầu tư hệ thống tưới nước tự động và thuê thêm đất mở rộng diện tích để trồng các loại rau màu và đào ao nuôi cá. Gia đình đã tận dụng đất trồng xen kẽ nhiều loại rau màu để tăng thu nhập. Thu nhập từ trồng rau màu trung bình mỗi ngày hơn 200.000 đồng, giúp gia đình ổn định cuộc sống và có điều kiện lo cho các con ăn học.

Theo bà Ngô Như Ý - Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Lợi: Hội LHPN huyện Vĩnh Lợi đã phát huy tốt mô hình đỡ đầu hộ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đã hỗ trợ thoát nghèo được 81 hộ.

Huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) giúp người dân liên kết với các doanh nghiệp để phát triển sản xuất mang lại thu nhập ổn định.
Huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) giúp người dân liên kết với các doanh nghiệp để phát triển sản xuất mang lại thu nhập ổn định.

Còn tại huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) lại có cách làm hay trong công tác giảm nghèo. Với phương châm “người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ”, huyện đã nhân rộng các mô hình sinh kế, tạo mối liên kết sản xuất giữa người dân với các HTX. Với sự linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, các HTX trên địa bàn huyện Đắk Glong đã tập hợp được nhiều nông dân tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp, được xem như “chìa khóa” giúp thoát nghèo bền vững.

Điển hình như mô hình HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Dano Farm đã liên kết các hộ dân để phát triển sản xuất tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, để nâng cao trình độ cho bà con, HTX thành lập 4 tổ sản xuất cà phê sạch, 3 tổ trồng dâu nuôi tằm. Các thành viên đã biết áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao, qua đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chị Chu Thị Thúy, thành viên của HTX cho biết, nhờ được HTX giúp sức nên nhiều bà con ở đây có thể thoát nghèo với nghề trồng dâu nuôi tằm. Để phát triển kinh tế với nghề này, toàn bộ giống, kỹ thuật, đầu ra, thức ăn đều do HTX cung cấp, các thành viên chỉ việc bỏ công chăm sóc.

“Mỗi tháng nuôi 2 hộp kén, doanh thu đạt khoảng 20 triệu đồng, tôi được hưởng 40% doanh thu. Nguồn thu này ngang bằng với mức lương khi tôi làm công nhân may, công việc trồng dâu nuôi tằm nhìn chung nhàn hơn làm công nhân”, chị Thúy chia sẻ.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: Để công tác giảm nghèo đạt được hiệu quả, trước hết phải phát huy tinh thần nội lực, với phương châm “người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ”.

Cũng theo ông Phương, người dân phải có ý thức thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách khai thác hiệu quả những giá trị mà các chính sách, dự án thoát nghèo mang lại.

Mô hình nuôi trâu ở xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng
Mô hình nuôi trâu ở xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

Nỗ lực nhân rộng hơn 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BLĐTBXH ngày 12/4/2023 sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2022 hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” hướng tới mục tiêu cụ thể. Đó là hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…

Tổng nhu cầu vốn thực hiện của dự án này là 10.550 tỷ đồng. Thời gian thực hiện mỗi dự án tối đa 3 năm. Đến năm 2025, dự án 2 có thể hỗ trợ xây dựng, nhân rộng hơn 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Bên cạnh đó tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất; xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh.

Theo ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều thay đổi so với Chương trình các giai đoạn trước và đặt ra các mục tiêu, tiêu chí rất cụ thể. Đó là hỗ trợ người nghèo theo hướng đa chiều, đặc biệt là hỗ trợ nâng cao thu nhập, vượt qua mức sống tối thiểu và hỗ trợ giải quyết những thiếu hụt trong xã hội. Chương trình sẽ góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân, giúp người dân đặc biệt là đồng bào DTTS từng bước thoát nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La chú trọng sắp xếp, ổn định dân cư

Sơn La chú trọng sắp xếp, ổn định dân cư

Thực hiện Dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), đến nay, đã có nhiều điểm định canh, định cư tập trung được tỉnh Sơn La đầu tư, xây dựng. Qua đó, giúp các hộ đồng bào DTTS vùng thiên tai ổn định đời sống, phát triển sản xuất.