Chú trọng công tác vận động, tuyên truyền
Đà Bắc là huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình với tỷ lệ người dân là đồng bào DTTS chiếm gần 90%, chủ yếu là các dân tộc Mường, Tày, Dao, Kinh, Thái… Đồng bào các DTTS sinh sống ở địa hình đồi núi cao, hiểm trở, việc tiếp cận thông tin khó khăn, trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Do đó, huyện Đà Bắc xác định, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các DTTS là nhiệm vụ quan trọng, tiên quyết để thực hiện thành công các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, tại huyện Đà Bắc đang thực hiện cùng lúc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719). Để thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG, trên cơ sở các Quyết định, Nghị định, quy định, hướng dẫn và chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Hoà Bình trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Đà Bắc đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Công tác truyền thông, thông tin về các Chương trình 1719 cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đồng bào DTTS, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ cộng đồng, Người có uy tín để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Chương trình.
Triển khai thực hiện Dự án 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Đà Bắc đặc biệt chú trọng công tác tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ Người có uy tín, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của cán bộ cốt cán và Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bà Đinh Thị Năm, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đà Bắc, cho biết: Huyện Đà Bắc hiện có 122 Người có uy tín được công nhận trong cộng đồng. Những năm qua, đội ngũ những Người có uy tín trên địa bàn huyện Đà Bắc đã phát huy tốt vai trò của già làng. Người có uy tín vùng đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước, cụ thể hóa sự chỉ đạo của Đảng, chính quyền cơ sở đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Để tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của cán bộ cốt cán và Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong tháng 11 vừa qua, Phòng Dân tộc huyện Đà Bắc đã tổ chức Lớp tập huấn và thăm quan học tập kinh nghiệm cho 51 cán bộ cốt cán và Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tại Lớp tập huấn, đại biểu Người có uy tín đã được các báo cáo viên của Ban Dân tộc tỉnh Hoa Bình trình bày, trao đổi một số chuyên đề, nhằm giúp Người có uy tín hiểu rõ hơn, sâu hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự và kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện ở địa phương.
Bên cạnh đó, Lớp tập huấn cũng là dịp để các đại biểu học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt cùng những khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động tại địa phương; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS tại địa phương.
Nhân rộng những mô hình “dòng họ tự quản”
Mô hình “dòng họ tự quản” được gắn liền với Chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội và 3 Chương trình MTQG nhằm nâng cao nhận, ý thức cảnh giác trong dòng họ về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, kiềm chế tai nạn giao thông, đồng thời góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng trên địa bàn huyện Đà Bắc.
Tại xã Đồng Chum, từ nhiều năm qua có mô hình “Khu dân cư tự quản" hoạt động rất hiệu quả. Ông Lường Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đồng Chum, cho biết: Mô hình bắt đầu được thực hiện từ năm 2007, khởi điểm ở xóm Pà Chè. Khi đó trong xóm xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội như học sinh bỏ học, say rượu, đánh nhau, cờ bạc, trộm cắp xảy ra thường xuyên làm mất an ninh trật tự trên địa bàn xã.
Trước tình hình đó, già làng, trưởng bản, Người có uy tín và Ban Chi ủy xóm đã họp bàn và thống nhất các nội dung để giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội như xây dựng quy ước, hương ước. Thành lập các nhóm hộ gia đình (mỗi nhóm từ 5 - 7 hộ) để quản lý con em và để các nhóm hộ trong gia đình quản lý lẫn nhau. Bên cạnh đó, phát huy tích cực vai trò cán bộ, đảng viên, già làng, Người có uy tín trong công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến từng nhóm hộ gia đình. Kết quả chỉ trong thời gian ngắn, các tệ nạn xã hội đã giảm rõ rệt, nhiều học sinh đi học trở lại, không còn hiện tượng say rượu quấy phá, đánh nhau.
Sau 1 năm thực hiện, mô hình được nhân ra 9/9 xóm của xã Đồng Chum và nhân rộng ra toàn huyện. Tiêu biểu như dòng họ Xa Sình Vi Quản, một trong những dòng họ người Tày với 614 hộ dân, 2.237 nhân khẩu, sinh sống tập trung tạo 3 xã Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt (huyện Đà Đắc) ra mắt mô hình “Dòng họ tự quản từ năm 2017”. Ông Xa Văn Tiến, Người có uy tín, Trưởng dòng họ Xa Sình Vi Quản, cho biết: Khoảng dăm bảy năm trước, ở các xóm, làng cộng đồng người dân tộc Tày 3 xã Mường Chiềng, Giáp Đắt, Đồng Chum vẫn tồn tại một số hủ tục lạc hậu trong ma chay, lễ lạt, cưới xin. Nhất là tục thách cưới nhiều khi trở thành gánh nặng đối với các gia đình. Là trưởng dòng họ, ông đã nêu ý kiến và bàn bạc, trao đổi với các chi, muột trong họ, để tìm được sự sẻ chia, thống nhất chung. Không đưa vào quy ước, hương ước của xóm, thôn. Đến nay, tục thách cưới cao được lược giảm, phần thủ tục làm lễ còn tối đa 3 bộ đùi lợn.
Trong thực tế cuộc sống ở các gia đình nông thôn thường xảy ra không ít va chạm, xích mích giữa nhà này với nhà kia, ngay cả trong nội bộ gia đình cũng không tránh khỏi. Là trưởng dòng họ Xa Sình Vi Quản với trên 600 hộ dân sinh sống ở địa bàn 3 xã vùng cao, ông Tiến có sự quan tâm, phối hợp, liên hệ mật thiết với đại diện Ban liên lạc, các trưởng muột, trưởng chi để nắm bắt tình hình, có biện pháp giải quyết mâu mắc ngay từ cơ sở. Cách đây chừng 6 năm, trong dòng họ xảy ra một vài vụ việc nổi cộm, như: Trộm cắp, vi phạm trật tự an toàn giao thông… Tuy nhiên, đến nay, tình hình trên được khắc phục gần như triệt để. Trong nội tộc dòng họ phát sinh một số mâu mắc hoặc lục đục, mâu thuẫn giữa vợ chồng, con cái nhưng đều được hòa giải kịp thời, không có trường hợp nào phải chuyển lên chính quyền cơ sở giải quyết.
Trong 8 năm qua, Người có uy tín, Trưởng dòng họ Xa Sình Vi Quản Xa Văn Tiến đã đứng ra phối hợp với các Chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể, các ban, ngành chức năng như Công an, Tư pháp, Dân tộc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng ngàn lượt người dân. Các thành viên trong dòng họ cung cấp cho lực lượng Công an xã trên 100 nguồn tin có giá trị, phối hợp xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, vận động giao nộp hàng trăm khẩu súng tự chế các loại, phối hợp ngăn chặn các vụ việc xảy ra tại địa bàn 3 xã.
Hoạt động của mô hình dòng họ tự quản an ninh trật tự Xa Sình Vi Quản đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao tinh thần tự quản, tự giác, cảnh giác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; phát huy, giữ gìn đạo đức và truyền thống của gia đình, dòng họ, động viên con, cháu tích cực nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mô hình giúp 3 xã trở thành một trong những điểm sáng giữ gìn an ninh trật tự ở vùng cao.
Thông qua thực hiện mô hình đã tạo khối đoàn kết trong dòng họ, trong dòng tộc và khối đại đoàn kết thi đua trong toàn dân; có sức thuyết phục trong việc tuyên truyền giáo dục trong mọi thành viên trong gia đình dòng họ, con cháu hiếu thảo; ông bà mẫu mực; gia đình hạnh phúc góp phần xây dựng bản làng, quê hương.