Giữa bốn bề màu xanh ngút ngàn của núi rừng Phong Nha -Kẻ Bàng, ngôi làng nhỏ của người Arem hiện ra với những mái nhà sàn, nối liền nhau chạy theo trục đường bê tông rộng rãi, khang trang. Làng có hơn 100 hộ, với trên 500 nhân khẩu; nổi bật giữa màu xanh núi rừng là những mái nhà lợp tôn màu đỏ.
Già làng Đinh Rầu, năm nay ngoài 70 tuổi, nguyên là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Trạch, là người đã chứng kiến những bước đổi thay của người Arem. Già kể: Năm 1956, đồng bào người Arem được tìm thấy trong rừng sâu khi dân số chỉ khoảng 18 người. Khi đó bà con ở trong hang đá, cuộc sống đói nghèo, lạc hậu và nguy cơ tuyệt chủng. Được chính quyền vận động, bà con đã rời rừng sâu về lập làng ở xã Tân Trạch; tiếp cận cuộc sống mới, bà con được cán bộ dạy cách chăn nuôi, trồng trọt.
“Từ đó đến nay, dân số người Arem đã phát triển với hơn 100 hộ dân, trên 500 khẩu. Chính quyền cũng đã tổ chức giao 245ha, trong đó có 186ha đất trồng lúa rẫy cho bà con sản xuất”, già Đinh Rầu vui mừng nói.
Ðến với Tân Trạch, đến với người Arem bây giờ không còn bóng dáng của đời sống tự cung, tự cấp. Quán xá đã được dựng lên, cùng với đó là tiếng cười vui của các học trò người Arem vui chân đến lớp. Ngoài nương, rẫy người Arem cũng đã biết chăn nuôi. Hiện, toàn xã đã nuôi được gần 200 con gia súc các loại.
Từ bàn chân bám đất mà đi, để xây dựng cuộc sống thuận lợi hơn, bằng sự chắt chiu, bằng việc phát triển kinh tế hộ gia đình cho nên 40 hộ dân người Arem ở Tân Trạch đã mua được xe máy để đi lại phục vụ công việc; nhiều hộ đầu tư mua sắm đồ dùng thiết bị hiện đại như ti vi, tủ lạnh, điều hòa cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo ông Đinh Lầu, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch, đời sống của đồng bào trong những năm gần đây đã có nhiều đổi thay đáng kinh ngạc. Đặc biệt, đồng bào tiếp cận phát triển được các mô hình kinh tế, đồng thời áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế. Đáng kể nhất là đàn bò và dê trong làng tăng trưởng ổn định, đến nay đã phát triển được 130 con bò; đàn dê tăng lên trên 50 con. Huyện Bố Trạch cũng đã có chủ trương, hỗ trợ đồng bào mở thêm mô hình nuôi dê sinh sản, hỗ trợ cho 10 hộ đồng bào thí điểm, với số lượng 20 con nữa.
Chủ tịch xã Đinh Lầu cho biết thêm: Hiện đồng bào Arem hiện còn sở hữu rừng huê, với diện tích gần 8,5ha, tuổi đời gần 20 năm. Trong thời gian chờ rừng huê cho khai thác, bà con trong làng được giao bảo vệ 4.000ha rừng thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, mỗi năm kinh phí hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Cũng theo Chủ tịch xã, nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, từ nguồn lực kết nối của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ xây đựng 11 ngôi nhà đại đoàn kết cho đồng bào và hiện nay, các doanh nghiệp như SunGroup, VinGroup, Trường Hải Auto cũng đang hỗ trợ để xây thêm 21 căn nhà nữa cho đồng bào, bình quân khoảng 150 triệu đồng/nhà. Dự kiến đến hết năm 2020, xã sẽ hoàn thành việc làm nhà ở cho đồng bào với khoảng 35 căn nữa. Ngoài vốn hỗ trợ từ Nhà nước, xã sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa. Có như vậy, thì bà con mới thực sự an tâm lao động sản xuất xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển hơn.
Chia tay đồng bào Arem, chúng tôi nhớ mãi giọng nói tiếng Kinh lơ lớ của già làng Đinh Rầu. Ông bảo, người Arem rất biết ơn Đảng và Nhà nước, biết ơn cán bộ đã đưa bà con ra khỏi cuộc sống nghèo khổ, tăm tối đến với cuộc sống ấm no như bây giờ.
QUỲNH TRÂM