Theo phong tục truyền thống, hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình lại làm cơm tiễn ông Công ông Táo về trời. Người ta tin rằng, vào ngày này, Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình, báo cáo với Ngọc Hoàng công việc làm ăn, bếp núc trong một năm tại mỗi gia đình. Cũng bởi vậy mà ngoài mâm cỗ cúng, người Việt còn có tục thả cá chép vào ngày này.
Trong văn hóa các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, cá chép là một biểu tượng quen thuộc gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của con người. Cá chép trong tiếng Hán có cách đọc gần giống với chữ “dư”, tức dư thừa, do đó loại cá này mang ý nghĩa ước vọng về sự no đủ, an lành, thịnh vượng.
Cá chép được biết đến với truyền thuyết cá chép vượt vũ môn hóa rồng là biểu tượng cho sự kiên trì, bền bỉ, ý chí vươn lên cùng khát vọng về sự đỗ đạt trong thi cử, công danh. Việc thả cá chép ngày 23 tháng Chạp không chỉ mang quan niệm tiễn ông Táo về trời, mà còn thể hiện ước nguyện của dân gian về một năm mới khang thịnh, vạn sự tốt lành.
Theo TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, ĐH Văn Hóa Hà Nội, văn hóa Việt Nam có sự kết hợp, hòa trộn giữ phật giáo, đạo giáo và cả tín ngưỡng dân gian. Việc thả cá chép còn mang ý nghĩa phóng sinh, thể hiện sự từ bi hỉ xả, sự luân hồi, tạo ra vòng quay của sự phát triển.
Thả cá thế nào?
TS Dương Văn Sáu cho biết, theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp) để Táo quân kịp lên thiên đình. Do đó, ngay từ ngày 22 đến trưa này 23, nhiều người đã bắt đầu thả cá xuống sông suối ao hồ.
Tuy nhiên, việc thả cá thế nào cho đúng ý nghĩa mà vẫn bảo vệ môi trường lại là điều không phải ai cũng biết. Tại Hà Nội, sau ngày 23 tháng Chạp, nhiều công nhân môi trường phải vất vả thu dọn rác thải trên mặt hồ là các túi thả cá, thậm chí vớt xác cá chết do chưa thể thoát khỏi túi nilon…
Theo TS Dương Văn Sáu, khi thả cá, người thả cần đứng sát mép nước, thả nhẹ nhàng thay vì đứng trên bờ, trên cầu tung, hất cá xuống sông. "Bên cạnh những người có ý thức tốt, nhiều người vẫn vô tư vứt rác xuống hồ - nơi thả cá. Hành động này vừa làm mất đi tính linh thiêng, ý nghĩa ban đầu của tục thả cá chép, vừa làm ô nhiễm sông hồ nghiêm trọng”, TS Sáu nói.
TS Dương Văn Sáu cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề này xuất phát từ tư tưởng tiểu nông, chỉ cốt xong việc của mình, chưa quen với nếp sống văn minh công cộng, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng hiện nay cũng chưa có các chế tài quyết liệt, tạo ra sự đồng bộ trong xử phạt nên dẫn đến việc, nói mãi, nhưng bao năm nay vẫn thế!./.
THEO VOV