Cần vượt qua hàng rào kỹ thuật
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nông sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố thị trường và phi thị trường, trong đó rào cản kỹ thuật như quy định chặt chẽ về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm (ATTP) và chất lượng đang là vấn đề lớn.
Trong những rào cản kỹ thuật, mức dư lượng tối đa (MRL) đang là một trong những nỗi lo lắng lớn nhất đối với các nhà xuất khẩu nông sản.
Việt Nam đã bị cảnh báo ở các thị trường Mỹ, EU về dư lượng thuốc BVTV như gạo, thanh long, xoài…
Việc ký kết các hiệp định CPTPP, EVFTA được đánh giá là sẽ mở ra cơ hội to lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ tư vừa diễn ra giữa tháng 10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu, cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có thế mạnh.
Việc ký Hiệp định CPTPP và EVFTA đồng nghĩa với hàng rào thuế quan giữa các quốc gia trong FTA sẽ dần được dỡ bỏ theo lộ trình, thay vào đó là các hàng rào phi thuế quan trong thương mại sẽ được dựng lên.
Tuy nhiên, các DN và người nông dân cũng cần nâng cao chất lượng nông sản Việt theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHAP, GlobalGAP… Đây sẽ là các điều kiện chỉ tiêu để vượt qua các hàng rào kỹ thuật để xuất khẩu.
Xây dựng hàng rào ở từng lĩnh vực
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long cho biết: Để khai thác được lợi thế do các FTA mang lại, trong đó có CPTPP, EVFTA khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, nông sản Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng, đặc biệt là bảo đảm ATTP và truy suất nguồn gốc. Vượt qua được rào cản kỹ thuật này, nông sản Việt Nam mới có thể xâm nhập các thị trường khó tính.
Theo ông Long, các DN cũng như nông dân muốn hội nhập kinh tế cần phải thực hiện 3 nguyên tắc là bình đẳng, công khai, minh bạch và cạnh tranh. Đặc biệt cần phải xây dựng hàng rào ở từng ngành để tự vệ, ngăn ngừa các sản phẩm có chất lượng thấp làm ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa của Việt Nam.
Các DN cũng cần xử lý các vấn đề này bằng cách áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến nhất trên thế giới, đồng thời xây dựng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001: 2000, ISO 14000… Tuy nhiên điều tiên quyết nhất vẫn là chất lượng sản phẩm, các vấn đề về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân.
Để thực sự tạo sức bật cho nông sản Việt, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của DN, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Cần phải có chính sách đủ mạnh để đưa các mặt hàng nông sản ra thế giới.