Mía là cây trồng chủ đạo nhưng những năm qua, cây mía liên tục rớt giá, người trồng mía luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Thanh An, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ năm 2014, UBND huyện phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH.
Trong đó, địa phương tập trung giảm diện tích cây mía chuyển sang các cây khác có giá trị kinh tế cao. Tính đến nay, huyện đã chỉ đạo thực hiện thành công nhiều mô hình theo hướng phát triển hợp tác xã, từng bước hình thành vùng trồng liên kết với các công ty xuất khẩu, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Anh Trần Văn Phục ở ấp Bình Du B, xã An Thạnh 2 cho biết, những năm trước, anh cũng trồng mía, hiệu quả kinh tế không cao, có vụ bán không ai mua; khi được cán bộ Phòng Nông nghiệp hướng dẫn chuyển đổi trồng cây khác, anh mạnh dạn bỏ mía trồng nhãn da bò. Sau này, do nhãn da bò giá cả bấp bênh và dễ bị sâu hại nên anh đã chủ động tìm đến giống nhãn Ido. Sau thời gian học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật anh đã trồng thành công giống nhãn Ido với lợi nhuận cao hơn các giống nhãn khác. Đặc biệt, anh cùng 32 hộ khác tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp An Phú Hưng, với trồng 50ha nhãn da bò và 30ha trồng nhãn Ido nên đã có đầu ra ổn định.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp, tính đến đầu tháng 9/2019, huyện đã chuyển đổi hơn 26.000ha trồng mía sang giống nhãn Idor, bưởi da xanh và xoài. Hơn 1.500ha trồng hoa màu và nuôi tôm nước lợ và cá kèo. Hiệu quả ban đầu từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã nâng giá trị trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 145 triệu đồng/năm; 4/7 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập; 5/7 xã đạt tiêu chí 11 về hộ nghèo, 100% xã đảo đạt tiêu chí giao thông.
Ông Võ Thanh Quang, Bí thư Huyện ủy huyện Cù Lao Dung cho biết: Để thích nghi với BĐKH, huyện đã tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi đa mục tiêu giao thương hàng hóa, ngăn triều cường nước biển dâng. Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo các xã đảo tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu gắn với xây dựng NTM thích ứng với BĐKH. Song song, đó xây dựng mô hình xã NTM thông minh, gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm phục vụ cho định hướng phát triển huyện du lịch trong thời gian sớm nhất. Có được như vậy, thì các xã đảo mới phát triển ổn định và bền vững.
Đặc biệt, huyện đang quyết tâm xây dựng xã đảo An Thạnh I, là xã về đích xây dựng NTM đầu tiên của tỉnh, từng bước vươn lên trở thành xã đảo NTM nâng cao.