Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn - Giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu

Văn Hoa - Tào Đạt - 19:38, 02/11/2023

Kể từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu, trở thành công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và là công viên thứ hai tại khu vực Đông Nam Á (năm 2010), diện mạo Hà Giang nói chung, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng đã khởi sắc, các di sản văn hóa, di sản địa chất, đa dạng sinh học được bảo tồn phát huy; đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã trao Bằng chứng nhận danh hiệu Thành viên mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III cho tỉnh Hà Giang.
Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã trao Bằng chứng nhận danh hiệu Thành viên mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III cho tỉnh Hà Giang.

Bản hùng ca từ đá

CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở cực Bắc Việt Nam, cách Hà Nội hơn 320 km, thuộc tỉnh Hà Giang và có đường biên giới dài với Trung Quốc. Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá (CVĐCTCCNĐ) Đồng Văn có tổng diện tích 2.356 km2 bao gồm địa giới hành chính của 4 huyện (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc). CVĐCTCCNĐ Đồng Văn mang đặc trưng của miền núi phía Bắc, địa hình bị chia cắt mạnh có nhiều núi cao hiểm trở và nhiều thung lũng sâu, độ cao trung bình từ 1.000 - 1.600m so với mặt nước biển.

CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn có đặc điểm nổi bật, với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, những vách núi dựng đứng cao vút, các chóp núi như những kim tự tháp, các trũng sâu hun hút, hang động và các vườn đá tạo nên vẻ đẹp lạ thường, có giá trị to lớn không chỉ về du lịch mà còn có giá trị rất lớn về khoa học và giáo dục.

Sinh động vườn đá tai mèo
Sinh động vườn đá tai mèo

Theo các nhà khoa học, CVĐC cao nguyên đá Ðồng Văn có gần 140 điểm di sản, chia thành nhiều nhóm cảnh quan địa mạo; hóa thạch, cổ sinh - địa tầng, hang động đá vôi. Ðồng thời là vùng có hệ địa - sinh thái núi đá độc đáo, trong đó đáng kể là quần thể rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn, bao gồm nhiều loài gỗ, lâm sản và cây thuốc quý như nghiến, thông đá, dẻ, lê, mận, táo, đương quy, thảo quả, đỗ trọng... Nơi đây cũng là môi trường sống của hàng chục loài động vật quý hiếm (voọc, hoẵng, sơn dương, cầy hương, nhím...).

Cùng với những giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan, cao nguyên đá Ðồng Văn còn chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống  của 17 dân tộc anh em. Quá trình phát triển và gắn bó lâu dài của cư dân các dân tộc trên vùng cao nguyên đá đã để lại những dấu ấn văn hóa đậm nét tạo nên sự đặc sắc và phong phú. Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử và sự phát triển về mọi mặt của xã hội, đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá vẫn luôn giữ gìn được giá trị bản sắc riêng với nhiều nét đặc trưng và quyến rũ.

Kĩ thuật thổ canh trên hốc đá - Sự sáng tạo và khát vọng chinh phục tự nhiên của đồng bào các DTTS Cao nguyên đá Đồng Văn
Kĩ thuật thổ canh trên hốc đá - Sự sáng tạo và khát vọng chinh phục tự nhiên của đồng bào các DTTS Cao nguyên đá Đồng Văn

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, từ một miền đá khó khăn chập trùng, ít được biết đến, Cao nguyên đá Đồng Văn đã khởi sắc, phát triển, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế. Các điểm di sản, giá trị văn hóa được xây dựng trở thành các sản phẩm, điểm du lịch đa dạng, độc đáo, điển hình như: Cột cờ Lũng Cú, di tích Nhà Vương, phố Cổ Đồng Văn, hẻm Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng; Lễ hội khèn Mông, Chợ phong lưu Khâu Vai; các Làng văn hóa dân tộc Nặm Đăm, Pả Vi, Lô Lô Chải; Khu nghỉ dưỡng Làng Mông - Quản Bạ, Papiu - Bắc Mê... và nhiều sản phẩm ẩm thực, nông sản tự nhiên, đặc trưng, hấp dẫn.

Sôi động Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai
Sôi động Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai

Lượng khách đến với Hà Giang từ 2.000 lượt khách vào năm 2010, đã tăng lên nhanh chóng, đạt mốc 2,2 triệu lượt vào năm 2022 và dự kiến cả năm 2023 sẽ đạt trên 3 triệu lượt khách. Du lịch phát triển theo hướng bền vững đã và đang tạo nguồn sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, làm thay đổi rõ nét cuộc sống nơi cao nguyên đá.

Giữ vững danh hiệu

Trong quá trình phát triển, Hà Giang đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn theo hướng bền vững. Trong đó đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC, tổ chức thành lập Ban Chỉ đạo phát triển CVĐC; ban hành các kế hoạch khung dài hạn, hàng năm, kế hoạch chi tiết triển khai từng nội dung, từng nhiệm vụ, các đề án chuyên đề để bảo vệ và phát triển CVĐC.

Đặc biệt, Hà Giang đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển vùng CVĐC, gồm quy hoạch về bảo tồn di sản văn hóa, địa chất, quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia, quy hoạch xây dựng CVĐC.

Bên cạnh đó, Hà Giang đã phối hợp với các chuyên gia điều tra, khảo sát lập hồ sơ xếp hạng 45 điểm di sản địa chất, di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu của quá trình kiến tạo địa chất và bản sắc văn hóa của cộng đồng 17 dân tộc trong vùng. Tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ di sản, phục dựng di sản, truyền dạy di sản; tổ chức khoanh vùng bảo vệ di sản theo các quy định của pháp luật...

Nhiều di sản văn hóa các DTTS vùng cao nguyên đá Đồng Văn được bảo tồn và phát triển
Nhiều di sản văn hóa các DTTS vùng cao nguyên đá Đồng Văn được bảo tồn và phát triển

Cùng với đó, Hà Giang chú trọng bảo tồn các làng văn hóa du lịch với kiến trúc truyền thống nếp sinh hoạt, phương thức canh tác sản xuất độc đáo, hấp dẫn; tổ chức cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, quy hoạch lại hệ thống bãi đỗ xe, sơn lại vạch kẻ đường, cải tạo hệ thống nhà vệ sinh, sắp xếp khu vực bán hàng, dịch vụ tại một số điểm di sản; đầu tư xây dựng Bảo tàng Không gian văn hóa các dân tộc Đồng Văn; đầu tư khoảng 100 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

Đầu tháng 9/2023 vừa qua, Hội đồng mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Hội nghị quốc tế lần thứ 10 tổ chức ở Ma-rốc, đã đánh giá cao và tiếp tục công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3.

Đoàn chuyên gia thẩm định Công viên địa chất Toàn cầu Unesco kiểm tra địa chất khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
Đoàn chuyên gia thẩm định Công viên địa chất Toàn cầu Unesco kiểm tra địa chất khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

Sau 2 kỳ tái đánh giá của UNESCO, Hà Giang vẫn giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, khẳng định sự nỗ lực của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong thực hiện các cam kết UNESCO về bảo tồn và phát triển Công viên địa chất. 

Năm 2023, tỉnh Hà Giang đã vinh dự được đón nhận nhiều đánh giá của du khách và các hãng truyền thông, đặc biệt được tổ chức du lịch thế giới trao giải thưởng “Điểm đến mới nổi hàng đầu Châu Á”. Đây là cơ hội để Hà Giang khẳng định thương hiệu du lịch của mình và cũng là những mốc son đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng và bền vững của du lịch Hà Giang.

Nhiều giá trị văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào các DTTS được bảo tồn và phát huy
Nhiều giá trị văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào các DTTS được bảo tồn và phát huy

Ngày 28/10, tại thị trấn Đồng Văn, UBND tỉnh Hà Giang, đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III trong niềm hân hoan của của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Giang nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung.

Tại buổi lễ này, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát biểu chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực vượt qua 2 kỳ tái đánh giá. Đồng thời, mong muốn tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa đến sự phát triển kinh tế, du lịch dựa trên sự đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc; tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên để tập trung phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Hà Giang.

Nhờ khai thác hiệu quả hoạt động du lịch, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS từng bước được cải thiện
Nhờ khai thác hiệu quả hoạt động du lịch, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS ở Hà Giang từng bước được cải thiện

Ông Hoàng Đạo Cương cũng nêu vấn đề, Hà Giang cần có cơ chế, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư hợp lý, kết hợp hài hòa giữ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cảnh quan. Nâng cao năng lực quản lý chủ động, hiệu quả, sáng tạo để tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục đổi mới và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư gắn với đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết nguồn nhân lực tại chỗ để giảm nghèo bền vững.


Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.