Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Công ty Cổ phần Đường Kon Tum chưa thu mua hết mía cho người dân như cam kết

Ngọc Chí - 06:43, 02/04/2024

Sau khi Báo Dân tộc và Phát triển có bài phản ánh “Vị “đắng” của mía”, ngày 28/2, UBND tỉnh Kon Tum có Văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý thông tin và tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum cam kết thu mua những diện tích mía còn lại trên địa bàn tỉnh dứt điểm trong tháng 3/2024. Tuy nhiên, ngày 01/4/2024, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển ghi nhận tại các xã trên địa bàn Tp. Kon Tum thì diện tích mía chưa được thu hoạch vẫn còn nhiều và người trồng mía vẫn đang lo lắng vì sự chậm trễ này.

Đến ngày 01/4/2024, toàn Tp. Kon Tum còn 62 hecta mía chưa thu hoạch
Đến ngày 01/4/2024, toàn Tp. Kon Tum còn 62 hecta mía chưa thu hoạch

Toàn tỉnh Kon Tum hiện có hơn 1.200 hecta mía, tỉnh có chủ trương phát triển diện tích mía nguyên liệu niên vụ 2023 - 2024 của tỉnh đạt khoảng 2.000 hecta. Riêng Tp. Kon Tum là địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh với hơn 900 hecta, trong đó hơn 832 hecta mía đủ điều kiện cho thu hoạch. Theo số liệu thống kê, đến hết ngày 01/4, toàn Tp. Kon Tum còn 62 hecta mía của người dân chưa được thu hoạch.

Với vẻ mặt lo lắng, ông A.C, thôn Kon Hngo Klah, xã Ngọc Bay hiện đang trồng mía tại xã Đoàn Kết, Tp. Kon Tum cho biết: Hiện tại gia đình còn 4 sào mía. Trước gọi Công ty hỏi thì cứ bảo chờ chừng nào có đường đi. Tới bữa nay Công ty cũng chưa cho chặt nhưng mình phải chặt thôi, chờ xe 3 ngày rồi, do xe Công ty điều chậm. Nếu bây giờ mưa xuống cái là xe không vào được, bà con sẽ khó thu hoạch.

Người dân cho rằng mía chậm thu hoạch là do không được Công ty điều xe chứ không phải thiếu nhân công chặt
Người dân cho rằng mía chậm thu hoạch là do không được Công ty điều xe chứ không phải thiếu nhân công chặt

Thời tiết ở Kon Tum đang nắng nóng gay gắt, việc chậm thu mua làm cho cây mía đang khô dần trên những cánh đồng, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chữ đường, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất niên vụ tới không theo kế hoạch, điều này làm bà con nông dân hết sức lo lắng.

Anh A.P, thôn Kon Hngo Klah, xã Ngọc Bay, Tp. Kon Tum chia sẻ: Tôi trồng gần 3 sào mía năm thứ 4. Hiện tại mía chưa chặt, cũng hỏi bên nông vụ Công ty mà bảo chưa cho chặt. Giờ mía nó khô hết rồi, lá khô rồi, nắng nóng nữa nó tụt sản lượng. Giờ tôi chỉ mong muốn được chặt mía rồi chở lên nhà máy thôi.

Cuốc vội những gốc mía vừa thu hoạch để cho xe cày xới đất, ông A.Đ, thôn Kon Ngol Klah, xã Ngọc Bay, Tp. Kon Tum chia sẻ thêm: Thường thì tháng 12 năm trước đến tháng 01 năm sau là chặt rồi, giờ đến tháng 3, tháng 4 mới chặt, mía giảm chữ đường, giảm tấn. Vừa rồi 6,5 sào chặt được hơn 40 tấn, có 9,5 chữ đường. Năm trước thì chặt được gần 70 tấn.

Theo người dân việc nhà máy chậm thu mua sẽ làm giảm sản lượng, chữ đường và giảm thu nhập
Theo người dân việc nhà máy chậm thu mua sẽ làm giảm sản lượng, chữ đường và giảm thu nhập

Về chính sách của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum hỗ trợ thêm chi phí với mức 20.000 đồng/tấn mía sạch đối với những diện tích được thu hoạch sau Tết Nguyên đán thì người trồng mía cho rằng mức hỗ trợ đó không “thấm” vào đâu so với những thiệt hại của người trồng mía khi Công ty chậm thu mua.

Ông A.S, thôn Kơ Năng, xã Ngọc Bay, Tp. Kon Tum cho biết: Tôi có 6,5 sào mía, tới bữa nay là chưa chặt. Lý do thì Công ty chưa cho xe, nếu có xe thì công chặt lúc nào cũng có hết. Việc thu mua mía chậm ảnh hưởng thứ nhất là chữ đường, thứ hai là năng suất, thứ ba là đến vụ sang năm. Bà con sống nhờ vào mía, kiểu này khổ cho bà con. Tới hôm nay mà hỗ trợ 20 nghìn đồng/tấn mía là không phù hợp. Tại vì chất lượng mía hao hụt nhiều quá.

Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đang đẩy nhanh tiến độ thu mua và cam kết đến ngày 10/4 sẽ thu mua hết mía cho bà con nông dân
Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đang đẩy nhanh tiến độ thu mua và cam kết đến ngày 10/4 sẽ thu mua hết mía cho bà con nông dân

Theo thông tin từ UBND Tp. Kon Tum thì lãnh đạo UBND thành phố đã đi kiểm tra thực tế việc sản xuất tại Công ty Cổ phần Đường Kon Tum và Công ty cũng cam kết đến ngày 10/4 sẽ thu mua hết diện tích mía còn lại cho người dân.

Đối với người nông dân trồng mía, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thì cây mía được xem là nguồn thu nhập lớn của gia đình, vì vậy mong muốn lớn nhất của người trồng mía là Công ty phải sớm thu mua hết mía cho người dân theo đúng như cam kết, tránh đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Đồng thời, phải thực hiện thu mua đúng lịch thời vụ trong niên vụ tiếp theo, có như vậy thì người dân mới thực sự an tâm, tin tưởng và tiếp tục đồng hành trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu mía. 

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Cần tháo gỡ những vướng mắc trong hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động DTTS

Sóc Trăng: Cần tháo gỡ những vướng mắc trong hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động DTTS

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã và đang mang lại nhiều chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động vùng đồng bào DTTS tại Sóc Trăng, nổi bật là việc thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 Chương trình MTQG 1719 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, việc thực hiện Tiểu dự án 3 này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi cùng bà Lục Bích Phúc, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng.