Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Con đường huyền thoại Ngày ấy-Bây giờ

PV - 09:42, 21/05/2019

“Nếu không có sự góp sức của đồng bào các dân tộc thì không thể làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, khẳng định của Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh Việt Nam-người chỉ huy, người chiến sĩ kiên trung suốt 16 năm kháng chiến luôn bám sát tuyến đường Trường Sơn đã cho thấy sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc để làm nên con đường lịch sử.

Bài 2: Đồng bào dân tộc thiểu số với con đường huyền thoại

Thiếu tướng Võ Sở bộc bạch, ngày ấy các hoạt động đều có đồng bào địa phương, những già làng, trưởng bản dẫn đường; nếu không có nắm cơm, củ sắn, rau rừng… của đồng bào chia cho bộ đội thì gian khổ sẽ nhân lên gấp bội. Ở trong gian khó, bộ đội và đồng bào các dân tộc cùng nhau chia sẻ khó khăn “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau chiến đấu, tất cả vì độc lập, tự do của dân tộc.

Những “cô gái” bước ra từ tuyến đường Trường Sơn huyền thoại xúc động ngày gặp lại trong không gian triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” tại Bảo tàng Phụ nữ Hà Nội. Ảnh: Tư liệu Những “cô gái” bước ra từ tuyến đường Trường Sơn huyền thoại xúc động ngày gặp lại trong không gian triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” tại Bảo tàng Phụ nữ Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào các dân tộc đã góp công, góp của để mở đường, nhiều bản làng tự động dời nhà, bỏ nương rẫy để tuyến đường tiếp vận từ Bắc vào Nam đảm bảo được yêu cầu “gần nhất, dễ đi nhất”. Dọc tuyến đường, nhiều binh trạm, kho trạm lớn để tập kết lương thực, vũ khí và xăng dầu, kho trạm, bến bãi, nơi dấu quân, dấu xe, dấu hàng khác vẫn chưa thể xác định được. Ở những nơi đó có các lực lượng giao liên, thanh niên xung phong, công binh mở đường cùng với nhiệm vụ chính là vận tải tiếp viện cho chiến trường thì các lực lượng này còn đảm trách khả năng hiệp đồng chiến đấu tại chỗ nhằm đảm bảo tuyến đường vận tải thông suốt.

Ngày ấy, theo tiếng gọi của Tổ quốc, từ phía Bắc, ông Hà Công Cao, dân tộc Tày, thôn Pá Tao Thượng, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cùng nhiều người con của quê hương Tuyên Quang cũng như nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có nhiều thành phần dân tộc khác nhau đã lên đường làm nhiệm vụ. Ngày ấy những chàng thanh niên tràn đầy tình yêu, tràn đầy sức sống nhưng gác lại nỗi nhớ quê hương để lên đường, mỗi người một nhiệm vụ góp sức trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Ông Hà Công Cao tham gia lái xe Trường Sơn khu vực Quảng Bình.

Ông Cao bảo rằng, nhớ lắm từng cung đường mình đi qua, sự khốc liệt của mưa bom, bão đạn như thế nào, nỗi đau xé lòng chứng kiến sự hy sinh đồng đội khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Trên những cung đường bom, mìn, chất độc hóa học rải xuống suốt ngày đêm. Thời tiết thì khắc nghiệt, chưa kể vắt, muỗi rừng, rắn rết... Khó khăn nhất vẫn là những chuyến xe khởi hành vào ban đêm, đèn tù mù mà có khi chạy suốt đêm không được ngủ. Gian khổ là thế nhưng “Anh em chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tham gia vào chiến dịch đều đoàn kết, quyết chí một lòng. Dù mưa bom bão đạn, dù khó khăn gian khổ vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, ông Cao tự hào kể.

44 năm sau ngày giải phóng, thời gian hơn nửa đời người nhưng tâm trí ông Giơ Râm Un, dân tộc Cơ-tu, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam không thể nào quên những tháng năm hừng hực khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Gian khổ vô cùng tận nhưng vui mừng và xúc động nhất là khi ông cũng như đồng đội của mình chứng kiến những chuyến xe vượt Trường Sơn mang theo khối lượng lớn vũ khí, lương thực cho chiến trường mà trước đây đều phải gùi cõng, xe thồ vô cùng vất vả.

Già làng người dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam kể về những kỷ niệm chiến tranh trong hầm đường Hồ Chí Minh. Già làng người dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam kể về những kỷ niệm chiến tranh trong hầm đường Hồ Chí Minh.

Đi bộ trên tuyến đường mòn Trường Sơn năm xưa mà như trở về quá khứ, ông Giơ Râm Un bảo, giữa mênh mông của rừng núi, bây giờ, thi thoảng trong tâm tưởng ông vẫn còn vang vọng tiếng còi xe, tiếng pháo bắn, tiếng đạn bom gầm rú của máy bay địch oanh tạc nhằm cắt đứt tuyến đường.

Với những người dân địa phương, trong nhiều tấm gương dũng cảm trên cung đường huyền thoại năm xưa ông Giơ Râm Un đặc biệt quý trọng một người con của núi rừng quê ông, đó là A Lăng Buốc, dân tộc Cơ-tu. A Lăng Buốc sinh ra trong một gia đình nghèo, vì bệnh tật, năm lên 10 ông bị mù cả hai mắt. Tuy mù nhưng tai rất thính, mỗi lần nghe các bạn cùng lứa kể chuyện giặc ném bom tàn phá buôn làng, rồi việc bạn bè cùng lứa lần lượt tham gia cách mạng, A Lăng Buốc năm nỉ mẹ cho tham gia tải đạn. Thời gian đầu tham gia công việc vận chuyển rất khó nhọc, phải mất hơn 3 tháng, ông mới quen được đường đi, lối về. Năm 1967, A Lăng Buốc được điều động bổ sung vào Đoàn Trung Sơn trực thuộc Tỉnh đội Quảng Nam, điểm trực là kho 31 tại hang Khỉ, chân dốc Alơơl-ranh giới giữa huyện Hiên (Quảng Nam) và huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế).

Nếu bình quân mỗi ngày đêm gùi khoảng 50kg thì trong vòng 14 năm, từ năm 1958 đến 1972, ông A Lăng Buốc đã gùi khoảng 182 tấn hàng các loại, trong đó vũ khí là 120 tấn, lương thực 62 tấn. Bằng lòng yêu nước, ông đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dẫu hôm nay ông đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ nhưng những gì ông đã làm trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa đã trở thành “huyền thoại”.

Chắc hẳn chúng ta đều nghe đến những Anh hùng người dân tộc thiểu số Hồ Vai, Kăn Lịch, Hồ A Nun, Cu Trip… ở mảnh đất A Lưới, Thừa Thiên-Huế. Cùng với đó là gần 16 nghìn thanh niên ở A Lưới đã lên đường nhập ngũ, phối hợp với quân chủ lực tiêu diệt hơn 7.000 tên địch, bắn rơi 365 máy bay, phá hủy 60 xe quân sự và phương tiện các loại của giặc. Ngoài ra, quân và dân A Lưới, trong đó rất đông đồng bào DTTS đã đóng góp hơn 33 nghìn tấn lương thực, thực phẩm; 4.560 lượt dân công hỏa tuyến; 1,5 triệu ngày công phục vụ chiến đấu và góp công mở tuyến đường mòn huyền thoại Hồ Chí Minh để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Chiến tranh đã lùi xa, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Để làm nên “tượng đài” vĩ đại ấy, có sự góp sức của đồng bào các dân tộc anh em dọc chiều dài đất nước.

THANH HUYỀN - TẤN SỸ