Xâm phạm điều cấm kỵ
Trong mỗi nghi lễ, không gian văn hóa của mỗi dân tộc đều mang trong mình giá trị tâm linh và yếu tố thiêng liêng. Tưởng chừng những điều đó là bất khả xâm phạm trong mọi hoàn cảnh, thế nhưng khi có tác động từ loại hình du lịch tín ngưỡng, sự cấm kỵ này ở nhiều nơi đã bị phá vỡ.
Đơn cử cho vấn đề trên chính là câu chuyện của anh Sohamin, dân tộc Chăm, thành viên nhóm Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam.
Anh Sohamin cho biết, để phát triển du lịch, tỉnh Ninh Thuận đưa di tích tháp Chăm trở thành điểm du lịch trong địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khi đưa vào khai thác, lại xảy ra mâu thuẫn với quan điểm của người Chăm. Đó là đưa vào làm du lịch, tháp sẽ được mở cửa để du khách vào thăm quan. Nhưng trong tín ngưỡng của người Chăm, cánh cửa trong đền chính chỉ được mở cửa vào ngày lễ và người mở cửa là chức sắc, sư. Điều này khiến cho cộng đồng người Chăm không đồng tình.
Trước vấn đề này, anh Sohamin cho rằng, “Đưa văn hóa vào du lịch trước hết cần phải tôn trọng cộng đồng chứ không phải theo nhu cầu của ai đó cũng như lợi ích của một nhóm ”.
Không chỉ người Chăm gặp phải, mà ở nhiều dân tộc khác, việc đưa các nghi lễ truyền thống vào hoạt động du lịch cũng khiến cộng đồng dân tộc đó băn khoăn. Trong một chuyến công tác đến với dân tộc Lô Lô tỉnh Hà Giang, nhiều cao niên trong vùng từng chia sẻ về tính thiêng của trống đồng trong đời sống của họ.
Được biết, trong văn hóa của người Lô Lô, trống đồng như bảo vật của họ. Họ coi trống đồng là vật linh thiêng. Khi tiếng trống đánh lên như tín hiệu giữa cõi sống và cõi chết, giữa cuộc sống đời thường và thế giới siêu nhiên. Bởi vậy, với người Lô Lô trống đồng là vật kết nối giữa thần linh và con người. Do đó, nó sẽ chỉ được vang lên trong những dịp đặc biệt quan trọng của dân làng: tang tế, lễ cúng thổ thần, lễ tế trời đất và các nghi lễ sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Thế nhưng, với xu hướng du lịch văn hóa phát triển, trống đồng của người Lô Lô đã không còn giới hạn trong bản làng mà trống đồng đã được đem đi để biểu diễn phục vụ du khách...
Tôn trọng cộng đồng để phát triển du lịch
Hai câu chuyện trên là ví dụ cụ thể cho bài toán làm sao để giữ được tính thiêng và hài hòa với hiện đại? Thiết nghĩ điều này là rất khó, nhưng không có nghĩa là không làm được.
Ông Dương Văn Thủ, thầy mo ở xã Hà Vị, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc biểu diễn các lễ hội, nghi lễ trên sân khấu là điều rất khó với thầy cúng như chúng tôi. Bởi lẽ, lúc đó phải cân bằng giữa việc giữ tính thiêng của nghi lễ mà vẫn bảo đảm được yếu tố sân khấu.
"Nguyên tắc bắt buộc khi sân khấu hóa các lễ hội, nghi lễ là trước khi biểu diễn phải làm lễ xin các thần linh tại địa phương, sau đó trong quá trình biểu diễn thầy mo không được phép đọc gia phả của thần linh, không được mời các vị thần linh trong lời cúng… Phải như thế mới không phạm húy, không mất đi tính thiêng của lễ hội”, ông Thủ cho biết thêm.
Bàn về vấn đề này, TS. Bàn Thị Quỳnh Giao, Viện Văn học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, du lịch di sản vùng DTTS đã có bước phát triển mạnh mẽ, từ đó có không ít tác động tích cực đến đời sống văn hóa của cộng đồng DTTS. Ví dụ như hiện nay, người Dao ở Sa Pa đã tái hiện một số nghi lễ để thu hút khách du lịch. Việc tái hiện này không chứa yếu tố tâm linh.
“Việc tái hiện những nghi lễ cần phải đảm bảo yếu tố thiêng. Khi tái hiện nên giữ lại nghi lễ có tính thiêng. Chỉ những nghi lễ, không gian văn hóa nào không gắn yếu tố thiêng, thì mở ra để thu hút khách du lịch. Có như thế sẽ bảo đảm được ranh giới giữa phát triển du lịch và bảo tồn giá trị văn hóa”, TS. Bàn Thị Quỳnh Giao nêu quan điểm.
Như vậy, có thể nói, việc vận dụng các di sản văn hóa trong phát triển du lịch cần đảm bảo được giá trị của di sản. Điều này đặt lên vai những người làm du lịch trách nhiệm quan trọng là làm sao để vừa tạo được những trải nghiệm đúng với mong muốn của khách du lịch trong bối cảnh hiện đại, vừa bảo tồn đúng bản chất những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng mà vẫn mang lại lợi ích về mọi mặt cho các bên liên quan.