Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn bản sắc văn hoá DTTS trong dòng chảy hiện đại: Giải pháp căn cơ cần đến từ chính sách (Bài 3)

PV - 16:35, 27/06/2022

Từ các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đã khuyến khích, tạo động lực cho đồng bào phát huy khả năng gìn giữ, trao truyền những bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. Song để bảo tồn văn hoá các DTTS một cách bền vững, cần giải quyết những bấp cập, vướng mắc, nhất là việc điều chỉnh chính sách đãi ngộ; đồng thời tăng cường các giải pháp thích ứng với tình hình mới .

Nghệ nhân ưu tú Hà Mai Ven truyền dạy hát then cho các em nhỏ
Nghệ nhân ưu tú Hà Mai Ven truyền dạy hát then cho các em nhỏ

Vai trò của nghệ nhân

Thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”, bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS luôn được bảo tồn, gìn giữ. Đặc biệt từ năm 2011, chủ trương Nhà nước xét tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú... đã khích lệ, động viên “những báu vật sống” trao truyền những di sản văn hoá các DTTS cho thế hệ trẻ. Bằng tình yêu, trách nhiệm của mình, các nghệ nhân đã khơi gợi “mạch nguồn” tạo nên sức sống bền bỉ của các di sản văn hóa. Bởi “nghệ nhân chính là hạt nhân của bảo tồn di sản”.

Đơn cử như tại Tuyên Quang, các nghệ nhân dân gian là những người kế tục, đưa Then phát triển trong cộng đồng. Bằng tình yêu Then, các nghệ nhân đã thổi bùng lên phong trào Then của thôn, rồi lan rộng ra xã, huyện, tỉnh, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tày, Nùng. Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 100 câu lạc bộ Then, góp phần giáo dục thế hệ trẻ bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn (xã Tân An, Chiêm Hoá, Tuyên Quang), được ví như cây đại thụ, một "bảo tàng sống" về văn hoá hát Then, ông tâm sự: "Trời còn cho sức khoẻ thì tôi sẽ vẫn tiếp tục đi sưu tầm và truyền dạy lại những điệu Then cổ. Đời người Tày không biết Then như chim không tiếng hót, như cây xanh không hoa lá, như cá không suối sông…"

Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp cho nghệ nhân
Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp cho nghệ nhân

Còn đối với ông Y Bhiông Niê (Ama H’ Loan) TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú trong năm 2019 cho biết: Tôi rất vui và cảm động khi được nhận phần thưởng cao quý. “Đây là niềm vinh hạnh trong cuộc đời của tôi. Với danh hiệu này, quãng đời còn lại, tôi sẽ tiếp tục chỉnh chiêng, dạy chiêng, chế tác nhạc cụ và kêu gọi mọi người cùng giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc” ông Y Bhiông chia sẻ.

Việc công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú không chỉ là vinh dự cho bản thân các nghệ nhân, mà còn là niềm tự hào của cộng đồng. Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú không chỉ thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước, với những công hiến của các nghệ nhân, nó còn giúp cho các nghệ nhận nhận thức đúng vai trò, trọng trách của mình để xứng đáng với danh hiệu.

Chính sách đãi ngộ chưa phù hợp

Mặc dù các nghệ nhân đã được Nhà nước vinh danh, có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, tạo động lực cho các nghệ nhân bảo tồn và trao truyền bản sắc văn hoá cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, khi triển khai chính sách đãi ngộ vào thực tế phát sinh nhiều bất cập, chưa phù hợp.

Theo quy định của Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Nhân dân được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành Nghị định này là 1.150.000 đồng). Tuy nhiên, rất nhiều nghệ nhân sống không có nguồn thu nhập, hoặc thu nhập bấp bênh nên không thể chứng minh được nguồn thu so sánh để hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, Nghị định 109 quy định, chỉ những Nghệ nhân ưu tú đủ 55 tuổi trở lên (đối với nữ), đủ 60 tuổi trở lên (đối với nam) không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục do Bộ Y tế quy định, mới được hưởng chính sách đãi ngộ. 

Ứng dụng cộng nghệ để bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc là việc cần làm ngay
Ứng dụng cộng nghệ để bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc là một trong những giải pháp hiệu quả

Nghệ nhân ưu tú Hà Mai Ven, dân tộc Tày, thôn Tam Lung, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ điếp sli then xã Thuỵ Hùng cho biết: Từ năm 2015, bà được công nhận là Nghệ nhân ưu tú, nhưng bà vẫn chưa hề được nhận chế độ trợ cấp do trước đó, bà chưa đủ 55 tuổi theo quy định của Nghị định 109.

Bà Ven chia sẻ: Là nông dân lao động tự do, thu nhập bấp bênh nên bà mong Đảng, Nhà nước các cấp chính quyền có chế độ, chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân thiết thực hơn, để lớp nghệ nhân như bà, và những người tâm huyết có thêm điều kiện sống, yên tâm bảo tồn, phát huy và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận.

Ý kiến của người trong cuộc

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa  thừa nhận, việc triển khai thực hiện Nghị định 109 ở địa phương còn phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc trong việc xác định đối tượng được hưởng chế độ đãi ngộ.  Về vấn đề này, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng đã có những kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế.

“Thời gian tới, khi triển khai Dự án 6, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (Quyết định 1719), sẽ có các chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong việc bồi dưỡng, truyền dạy cho những người kế cận. Dự án kỳ vọng giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong giai đoạn trước”, bà Hiền cho biết.

Cũng theo bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, các địa phương cũng cần quan tâm, xây dựng chính sách riêng hỗ trợ cho nghệ nhân. Hiện một số địa phương đã có chính sách hỗ trợ riêng như Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nghệ An… ; Qua tìm hiểu thực tế, hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào DTTS ở các địa phương này, đang thu hút được các nghệ nhân, những người yêu bản sắc văn hóa dân tộc và lớp trẻ, học đường tham gia...

Bên cạnh chính sách đầu tư, hỗ trợ, thì việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa các DTTS, cũng chính là một giải pháp quan trọng, để mạch nguồn văn hoá DTTS lan tỏa, không chỉ sống mãi trong đời sống xã hội trong nước, mà còn để bạn bè các nước trên thế giới biết đến nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. 

Trên thực tế, thời gian qua, một số dự án ứng dụng công nghệ trong bảo tồn văn hoá đang được triển khai như “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025; hay dự án Số hóa ngôn ngữ các DTTS tại Việt Nam…được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá về giá trị văn hóa của các DTTS Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.