Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Có một “Việt Bắc thu nhỏ” nơi đại ngàn Tây Nguyên

Lê Hường - 11:03, 20/01/2021

Hơn 30 năm xa quê lập nghiệp, đồng bào các dân tộc phía Bắc ở Ea Tam, huyện Krông Năng (Đăk Lăk) vẫn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tạo nên không gian văn hóa Việt Bắc đặc sắc nơi đại ngàn Tây Nguyên.

Câu lạc bộ hát then thôn Tam Liên
Câu lạc bộ hát then thôn Tam Liên

Xa quê nhưng không xa bản sắc

Xã Ea Tam có 15 thôn và 1 buôn, với 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc phía Bắc, trong đó đồng bào Tày, Nùng chiếm gần 90%. Ea Tam được ví là một “Việt Bắc thu nhỏ” trên đất Tây Nguyên. Những năm đầu khi mới thành lập xã, đồng bào ở một số khu vực dân cư đã tự phát tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian Việt Bắc để vui Xuân.

Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy tinh thần đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển... Theo đó, các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống được lan tỏa trong vùng đồng bào các DTTS.

Sinh hoạt văn hóa dân gian được cấp ủy đảng, chính quyền xã Ea Tam xác định là tiền đề để tiến tới triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Vì vậy, địa phương đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, như Lễ hội Lồng tồng, Hội tung còn đầu Xuân, hội cốm, hội lợn quay… thu hút đông đảo người dân trong và ngoài địa phương đến dự.

Đặc biệt từ năm 2009 đến nay, xã Ea Tam đã tổ chức thường niên Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc, với những nét văn hóa độc đáo riêng biệt, có sức lan tỏa, thu hút rất đông du khách đến tham gia.

Bên cạnh phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều phần thi sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc phía Bắc. Những người con xa quê, được dịp cùng nhau thể hiện tài nghệ, sự khéo léo qua việc chế biến những món ẩm thực dân dã, đậm đà hương vị quê hương, như: Nấu rượu men lá, làm bánh chưng, giã bánh dày, bánh khảo, làm xôi ngũ sắc, quay heo mắc mật… tất cả tạo nên một không khí rộn ràng, đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc.

Ở đây, điệu múa xòe của người Thái, những điệu hát Then, lượn hòa vào tiếng đàn Tính của người Tày, Nùng vang vọng giữa không gian bao la núi rừng Tây Nguyên. Lễ hội cũng là dịp để bà con có cơ hội trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, công việc, mùa màng sau một năm làm lụng vất vả và trai gái gặp gỡ tâm tình, hẹn ước, nên duyên vợ chồng.

Từ khi lễ hội văn hóa dân gian được tổ chức, nhiều lớp trẻ bắt đầu học hát Then, tập đàn Tính, hình thành được đội văn nghệ dân gian của xã, thường xuyên được huyện mời đi biểu diễn. Ngoài ra, mỗi xã còn hình thành được 1 đội văn nghệ, đội nấu rượu, quay heo, làm bánh… để tham gia vào các dịp lễ hội.

Bà con các dân tộc Tày, Nùng ở xã Ea Tam tham gia hội thi chế biến những món ẩm thực dân dã, đậm đà hương vị quê hương
Bà con các dân tộc Tày, Nùng ở xã Ea Tam tham gia hội thi chế biến những món ẩm thực dân dã, đậm đà hương vị quê hương

Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa

Sau nhiều năm tổ chức, Đảng ủy xã nhận thấy những hoạt động này đã gắn bó máu thịt với đời sống xã hội của Nhân dân các dân tộc trong xã, là món ăn tinh thần không thể thiếu và trở thành nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Do đó đến nay, UBND xã Ea Tam đã quyết định thành lập 2 câu lạc bộ hát Then, đàn Tính Cao Bắc Lạng tại 2 thôn Tam Đồng và Tam Liên. Trong đó, có nhiều nghệ nhân lớn tuổi tham gia vừa để giữ gìn, vừa truyền dạy cho thế hệ trẻ dân tộc Tày, Nùng. Một trong những bản sắc riêng của dân tộc Nùng làng Quảng Hòa, thôn Tam Điền, đó là giữ nguyên nét đẹp của nhà sàn 4 mái, mặc trang phục truyền thống, dệt vải chàm và các sinh hoạt văn hóa, tâm linh độc đáo riêng của dân tộc

Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết, văn hóa là nguồn cội, hồn cốt của dân tộc, cùng với ý thức chủ động gìn giữ của người dân, Đảng bộ, chính quyền xã cũng quan tâm, tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của bà con, làm cho diện mạo đời sống văn hóa ở đây ngày càng phong phú. Thông qua các lễ hội, địa phương cũng khuyến khích, người dân tiếp tục trân trọng, tự hào và giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.