Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Có một Đền thờ Hùng Vương trên núi Phượng Hoàng

Văn Yên - 16:57, 09/04/2022

Hằng năm, vào ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân và du khách đến Đền thờ Âu Lạc, nằm trong Khu du lịch thác Prenn, Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để thắp nhang tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời, cũng là dịp để tham quan những kiến trúc độc đáo tại quần thể đền Âu Lạc.

Một góc quần thể đền Âu Lạc nhìn từ trên cao
Một góc quần thể đền Âu Lạc nhìn từ trên cao

Ẩn mình dưới những tán thông già trên núi Phượng Hoàng, quần thể Đền Âu Lạc (tên thường gọi là Đền Hùng Vương) nằm trong Danh thắng quốc gia thuộc Khu du lịch thác Prenn, Tp. Đà Lạt mang dáng vẻ riêng biệt, nhưng không kém phần uy nghiêm, linh thiêng. Tính từ dưới chân núi, để lên đến được đền Thượng, phải đi lên một đoạn đường dài với 830 bậc thang. Ngoài ra, còn một con đường đổ bê tông khác được Khu du lịch mở ra để phục vụ du khách di chuyển qua các đền bằng xe U-Oát.

Xung quanh đền Hạ được bày trí rất gọn gàng, đẹp mắt
Xung quanh đền Hạ được bày trí rất gọn gàng, đẹp mắt

Được xây dựng từ năm 2002, với kiến trúc mô phỏng theo di tích đền thờ các vua Hùng ở Phú Thọ, đền thờ Âu Lạc được biết đến là công trình xây dựng để thờ cúng các vua Hùng có quy mô lớn nhất Tây Nguyên. Tổng thể khu đền có 3 hạng mục công trình chính là các đền Hạ, Trung và Thượng.

Những chiếc vò gốm men đen thời văn hóa hậu Đông Sơn
Những chiếc vò gốm men đen thời văn hóa hậu Đông Sơn

Đền Hạ tọa lạc ở độ cao 1.180 m so với mực nước biển. Đền có diện tích xây dựng 180 m2, sân đền rộng 500 m2. Đây là một trong những hạng mục lớn và quan trọng nhất của Khu tưởng niệm các vua Hùng. Đây chính là địa điểm đầu tiên trong nghi thức dâng hương, rước lễ vào dịp Giỗ Tổ 10/3 hằng năm. Bên trong đền có trưng bày một số hiện vật cổ thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Đền thờ hạt Lúa thần
Đền thờ hạt Lúa thần

Một điểm đặc biệt là bên trong đền Hạ là có 3 bát nhang, đất và nước được thỉnh rước từ đền Hùng ở Phú Thọ về đây. Phía trước đền có bày một bộ đàn đá lớn gồm 13 thanh. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có 15 cây đá hoa cương quý, cao 2,5 - 3,5 m nặng khoảng 5 tấn.

Giếng Ngọc trong quần thể đền Âu Lạc
Giếng Ngọc trong quần thể đền Âu Lạc

Từ đền Hạ di chuyển dần lên khoảng 200 m là đền Trung. Đền có diện tích xây dựng 150 m2, sân được lát gạch rộng 300 m2. Đền Trung là nơi thờ tự vua Lang Liêu và các lạc tướng theo phò trợ. Công trình này được xây dựng mô phỏng theo ngôi đền thờ các vua Hùng tại đỉnh núi Nghĩa Lĩnh do Thục phán An Dương Vương phụ lập. Tại khuôn viên của đền Trung, 18 cây đủng đỉnh cao hàng chục mét được trồng phía bên trái đền. 18 cây đủng đỉnh này tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng từ thuở khai thiên lập địa.

Trống đồng Đông Sơn được trưng bày tại đền Hạ
Trống đồng Đông Sơn được trưng bày tại đền Hạ

Trên đỉnh của ngọn núi Phượng Hoàng chính là nơi tọa lạc của đền Thượng - ngôi đền thờ đức Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Bên trong đền được bài trí rất công phu. Tại gian tế có 3 bệ thờ đều có cửa vọng mô tả cảnh rồng tiên hội tụ với trang trí tinh xảo. Phía hậu nội điện là chốn nghiêm cung linh thiêng, treo trên bức hoành phi tạc 3 chữ vàng “Thạch Việt Tổ”, ý để nhắc nhở về cội nguồn xa xưa.

Bên trong đền Hạ
Bên trong đền Hạ

Phía trước đền dọc theo hai bên lối đi lên xuống là tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ vùng 100 viên đá tượng trưng cho 100 trứng trong truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Lâm Đồng, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 sẽ được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10/4 (tức ngày 9 và 10/3 Âm lịch) tại Đền thờ Âu Lạc, Khu Du lịch thác Prenn, Tp. Đà Lạt. Với chủ đề “Linh thiêng cội nguồn”.

Miếu thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ
Miếu thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ

Ngoài việc tổ chức lễ tế, rước kiệu, dâng hương, bánh chưng, bánh giày, thì các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian cũng diễn ra khá sôi nổi, náo nhiệt, như thi: Kiệu rước đẹp, trang trí mâm trầu cau, mâm ngũ quả, thi gói bánh chưng, làm bánh giày, giao lưu biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian, thi hát dân ca 3 miền cùng với các trò chơi dân gian.

Đây là dịp để giới thiệu đến cán bộ và Nhân dân trong tỉnh những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc, thông qua hoạt động Lễ hội Giỗ Tổ nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

Trong Lễ Giỗ tổ Hùng Vương sẽ tổ chức các trò chơi dân gian
Trong Lễ Giỗ tổ Hùng Vương sẽ tổ chức các trò chơi dân gian

Bà Đoàn Bích Ngọ - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, người có nhiều nghiên cứu về văn hóa tại Tây Nguyên cho biết: Hiện nay cả nước có khoảng 1.400 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật lịch sử gắn với thời đại Hùng Vương. Tuy nhiên, hiện chỉ có 5 đền thờ Vua Hùng có tổ chức lễ hội với quy mô lớn, thuộc các tỉnh thành: Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau và Lâm Đồng với đền thờ Âu Lạc.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.