Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Nhìn từ thực tế cơ sở (Bài 1)

An Yên - 10:18, 16/11/2024

Cùng với những tập tục lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết; suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn tồn tại... đang là những vấn đề trăn trở trong việc nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An. Vì thế, nguồn vốn đầu từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, sẽ là cơ hội, góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện tình trạng dân số, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS...

Truyền thông chăm sóc sức khỏe cho người dân ở huyện Quế Phong
Huyện miền núi Quế Phong tổ chức Hội nghị truyền thông chăm sóc sức khỏe cho người dân

Những chỉ số đầy lo ngại

Dân số vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, nhưng sinh sống chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều núi cao, sông suối, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.

Những yếu tố tác động đến chất lượng dân số gồm, phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, môi trường và các yếu tố khác như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... ở vùng miền núi Nghệ An đều đang ở mức thấp và thiếu, khiến cho chất lượng dân số khu vực này thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh.

Phan Văn HuêPhó chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nghệ An

Theo một thống kê mới nhất, Nghệ An có 106 xã thuộc khu vực III, 1.182 thôn bản đặc biệt khó khăn… Đây là những số liệu đầu tiên, nhưng đã biểu hiện phản ánh khái quát nhất về chất lượng dân số của vùng còn thấp. Cùng với đó, là tình trạng học sinh bỏ học; các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật như mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy; di cư trái pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn còn diễn ra trong đời sống của người dân.

Trong khi đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển chậm và không đồng đều giữa các vùng và giữa các dân tộc với nhau. Vấn đề giải quyết mưu sinh từ công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa kém xa so với các huyện đồng bằng, thành thị. Dẫn chứng rõ nhất, là tỷ lệ hộ nghèo trung bình của vùng đang ở mức 8%; trong đó, có nhiều huyện có tỷ lệ hộ nghèo  lên tới 2 con số, như ở Kỳ Sơn 49%, Quế Phong 65%, Tương Dương 29%, Con Cuông 17%... Cùng với đó, là những bất lợi luôn hiển hiện từ mưa lũ thất thường, địa hình độ dốc cao, chia cắt bởi nhiều sông suối, bản làng nằm rải rác... đã góp phần dẫn đến đói nghèo, chất lượng dân số thấp.

Các huyện miền núi Nghệ An tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc cải thiện chất lượng dân số (Trong ảnh: Hội thi phụ nữ với công tác dân số tại huyện Thanh Chương)
Các huyện miền núi Nghệ An tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc cải thiện chất lượng dân số. (Trong ảnh: Hội thi phụ nữ với công tác dân số tại huyện Thanh Chương)

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh Nghệ An, một số chỉ số phản ánh chất lượng dân số khu vực DTTS&MN Nghệ An thấp, đó là tuổi thọ trung bình 70,7 tuổi (cả nước là 73,6 tuổi) thấp hơn bình quân chung của cả nước là 2,9 năm. 

Mức sinh ở một số DTTS hiện ở mức rất cao so với trung bình chung của cả nước. Số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,3 con so với cả nước là 2,09 con. Tỷ lệ thấp còi ở trẻ em trong đồng bào DTTS chiếm 31,4%. Tình trạng sinh non, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, dị tật bẩm sinh, tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao. Tỷ lệ dân số bị thiểu năng trí tuệ chiếm khoảng 1,5%...

Đâu là nguyên nhân?

Theo đánh giá của Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Nghệ An, chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS& còn thấp; đặc biệt là một số thành phần DTTS như dân tộc  Mông ở Kỳ Sơn, Đan Lai ở Con Cuông, Ơ đu, Khơ Mú ở Tương Dương. Các cộng đồng DTTS này hiện vẫn còn duy trì nhiều hủ tục, điều kiện sống khó khăn, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn diễn ra phổ biến; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao…

Ông Phan Văn Huê, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Tại vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An, các chỉ số, dân số, tuổi thọ đều thấp hơn bình quân cả nước và giữa các thành phần dân tộc cũng có sự chênh lệch đáng kể.

Những thống kê của Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Nghệ An đều dựa trên những khảo sát thực tế của vùng, đúng như những gì chúng tôi cảm nhận được trong những chuyến ngược ngàn lên miền biên viễn mới đây khi vào với đồng bào Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt thuộc xã Môn Sơn (Con Cuông). Tại địa phương, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước những nếp nhà thấp bé, trống hoác…, lời của Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn Ngân Viết Trường như càng khẳng định thêm cho những gì mà chúng tôi nhìn thấy: Bản Cò Phạt có tỷ lệ hộ nghèo là 98,23%, hộ cận nghèo là 1,77%; bản Búng có 115 hộ dân thì 100% đều là hộ nghèo.

Từ các chính sách an sinh, đồng bào DTTS ở các huyện miền núi Nghệ An được quan tâm khám chữa bệnh miễn phí
Từ các chính sách an sinh, đồng bào DTTS ở các huyện miền núi Nghệ An được quan tâm khám chữa bệnh miễn phí

Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào Đan Lai ở hai bản làng này xuất phát từ những nguyên nhân như, giao thông cách trở, bị ngăn cách bởi các con sông, suối. Người dân vẫn ở nhà sàn bằng tre nứa, không có đất sản xuất, không có đất ở do địa bàn sinh sống nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Để sinh sống, nhiều người đã phát nương làm rẫy, trồng trọt, chăn nuôi và thu hái rau, quả từ rừng. Cuộc sống nhiều hộ mang nặng tính tự cung tự cấp.

Ở vùng rẻo cao Kỳ Sơn, có một hủ tục đang tồn tại, có xu hướng tăng trở lại, chính là tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào Mông. Chỉ tính riêng trong 4 năm trở lại đây, huyện đã có trên 600 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể hơn, năm 2020 toàn huyện có 164 trường hợp, năm 2021 có 147 trường hợp, năm 2022 có 171 trường hợp, năm 2023 có 229 trường hợp tảo hôn, tập trung nhiều ở các xã có đông đồng bào dân tộc Mông và Khơ Mú...

Điều kiện sống khó khăn do thiên tai, khí hậu khắc nghiệt; do nhận thức hạn chế; đặc biệt là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết… đang khiến cho chất lượng dân số của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn trở nên thấp hơn. 

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe chia sẻ: Cả huyện có 21 xã, thị, thì có đến 19 xã với 171 bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Diện tích đất của huyện thì nhiều nhưng chỉ có khoảng 1% đất bằng phẳng cho canh tác và sinh sống. Điều kiện tự nhiên mưa bão, lũ quét diễn biến bất thường.

Hiện nay, vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Nghệ An hiện có 106 xã thuộc khu vực III - xã đặc biệt khó khăn, với 1.182 thôn bản đặc biệt khó khăn. Điều đó càng khẳng định thêm về chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí nơi này đang đối diện với mức độ thấp. Cuộc sống khó khăn, người dân chưa bảo đảm đầy đủ các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, vì thế, những nỗ lực để nâng cao chất lượng dân số nơi đây là điều không hề đơn giản.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.