Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Cơ hội để đồng bào DTTS được tăng cường tiếp cận thông tin

PV - 15:22, 08/02/2018

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin. Với Nghị định này, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có cơ hội nhiều hơn trong việc được tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, để Nghị định đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả như mong muốn, rất cần những giải pháp hiệu quả, bền vững.

Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng, điều kiện khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thông qua Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước (nếu có). Thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình Trung ương, địa phương và các hệ thống truyền phát tin khác của địa phương; các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc và các phương tiện thông tin đại chúng khác tại địa phương.

Đồng bào DTTS cần được tiếp cận những thông tin thực sự hữu ích và cần thiết. Đồng bào DTTS cần được tiếp cận những thông tin thực sự hữu ích và cần thiết.

 

Xây dựng tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm; trong trường hợp cần thiết và khả thi thì có thể được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin cho công dân; chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động cung cấp thông tin cho các khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Lồng ghép hoạt động cung cấp thông tin trong các sự kiện văn hóa-chính trị của cơ quan, địa phương, trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông các chính sách mới của các cơ quan nhà nước trên địa bàn…

Nghị định cũng quy định cơ quan cung cấp thông tin phải bảo đảm các hình thức cung cấp thông tin phù hợp với khả năng tiếp cận của người yêu cầu cung cấp thông tin và điều kiện thực tế của cơ quan. Bố trí thiết bị nghe, nhìn và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật của người yêu cầu cung cấp thông tin và phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan mình. Tạo điều kiện cho người yêu cầu cung cấp thông tin sử dụng các thiết bị nghe, nhìn, các thiết bị phụ trợ và các phương tiện kỹ thuật khác của cá nhân để tiếp cận thông tin theo yêu cầu…

Luật Tiếp cận Thông tin đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018. Có thể thấy, Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin vừa ban hành đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ cung cấp thông tin cho một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người khuyết tật và đồng bào DTTS. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo Luật đến được với rộng rãi người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người khuyết tật và đồng bào DTTS.

Theo ông Phạm Quang Tú, Chuyên gia của Tổ chức Oxfam (thành viên Ban Điều hành PPWG) cho biết: Nghị định hiện nay đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ cung cấp thông tin cho một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người khuyết tật và đồng bào DTTS. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì đây là những nhóm thường gặp khó khăn nhất trong quá trình tiếp cận với những thông tin chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, khi thực hiện cần đảm bảo các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin, chứ không chỉ dừng lại ở việc “tạo điều kiện” cho họ trong tiếp cận thông tin.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các loại thông tin mà người dân có thể tiếp cận, thông tin đó phải thực sự hữu ích, cần thiết cho người dân. Đồng thời, việc cần thiết phải cung cấp thông tin bằng tiếng dân tộc, thông tin đến vùng DTTS phải có cơ chế phản hồi, tương tác hai chiều. Theo ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên, việc chuyển tải thông tin bằng tiếng dân tộc phải được thực hiện khi có yêu cầu của người dân hoặc người đại diện của họ. Thực tế việc chuyển tải thông tin ở vùng DTTS là luôn luôn cần thiết.

Từ thực tế nghiên cứu đánh giá hiện trạng thông tin cơ sở trong cộng đồng DTTS và khả năng tiếp cận thông tin của đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ DTTS, ông Nguyễn Đức Thành, Quản lý các dự án phát triển (Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho rằng, kênh thông tin trong cộng đồng DTTS hiện nay qua điện thoại di động, ti vi là kênh thông tin được sử dụng rộng rãi; các buổi họp thôn được đánh giá là thông tin hữu ích nhưng chủ yếu là thông báo chính sách, hoạt động chương trình và người dân tham gia họp và nghe thụ động mà chưa có sự chủ động phản hồi; loa phát thanh, tờ rơi, bảng tin hay tuyên truyền viên cơ sở đã có trong cộng đồng nhưng chưa phát huy hết hiệu quả, cần điều chỉnh, bổ sung thông tin hữu ích hơn, thiết thực hơn với đồng bào.

Vì vậy, theo ông Thành thông tin đến với đồng bào phải có cơ chế để người dân phản hồi; nội dung thông tin, cách chuyển tải thông tin phải hữu ích, gần gũi hơn với đồng bào DTTS.

THANH HUYỀN