Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cô học trò giành Huy chương Vàng Olympic Phát minh và Sáng tạo Thế giới

Nguyệt Anh - 18:35, 22/11/2020

Trong môi trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, nhiều em học sinh đã bộc lộ niềm đam mê và khả năng sáng tạo khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao vào cuộc sống. Tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), cô học trò Lê Nhật Minh, lớp 11C2A là một ví dụ. Em vừa xuất sắc giành tấm Huy chương Vàng Olympic Phát minh và Sáng tạo thế giới 2020 (WICO).

Lê Nhật Minh (bên phải) miệt mài tìm tòi những sách y khoa bằng tiếng Anh để làm Dự án.
Lê Nhật Minh (bên phải) miệt mài tìm tòi những sách y khoa bằng tiếng Anh để làm Dự án.

Đam mê nghiên cứu

Lê Nhật Minh sinh ra và lớn lên trong gia đình có mẹ và anh trai đều theo con đường nghiên cứu. Ngay từ nhỏ, em luôn để ý mẹ hướng dẫn các lớp anh chị thực hiện các công trình nghiên cứu nên cảm thấy rất thích thú. Em luôn mong ước khi lớn lên sẽ được tham gia những hoạt động nghiên cứu khoa học .

Trong những năm học phổ thông, chứng kiến nhiều người mắc căn bệnh ung thư đã sớm phải rời bỏ thế giới này, vì vậy, Nhật Minh đã nung nấu ý tưởng phải nghiên cứu ra phương thuốc điều trị căn bệnh ung thư.

Với những kiến thức em tự mày mò nghiên cứu từ những năm học lớp 9, khi lên lớp 10, Nhật Minh đã mạnh dạn trao đổi với thầy cô giáo trong trường về ý tưởng và muốn nghiên cứu sâu hơn trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường.

Thấy ý tưởng táo bạo, TS. Phùng Thị Kim Huệ, giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương đã cùng với nhóm nghiên cứu của các em từng bước xây dựng đề cương để tham gia bảo vệ ý tưởng tại Hội đồng khoa học cấp trường.

Được Hội đồng chấp thuận, cô học trò Lê Nhật Minh và bạn Võ Trọng Nhân cùng bắt tay vào nghiên cứu Dự án "Nghiên cứu khả năng đánh dấu và ức chế tế bào gốc ung thư từ hệ nano phát quang đất hiếm - kháng thể (TMC), định hướng điều trị đích căn bệnh ung thư”.

Vì là một đề tài khó, tài liệu tham khảo ít nên nhiều hôm Nhật Minh phải thức suốt đêm để dịch những tài liệu y khoa bằng tiếng Anh sang tiếng Việt để thu thập các thông tin hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu. Hành trình này kéo dài hàng tháng trời, đôi mắt của cô học trò Nhật Minh cũng bị thâm quầng vì mất ngủ.

“Thời gian thực nghiệm quá ít, trong khi phải làm hơn 20 thí nghiệm, mỗi thí nghiệm ít nhất 3 lần, chưa kể những lần thất bại buộc phải làm đi làm lại. Nhiều lần, em từng có ý nghĩ chán nản, muốn từ bỏ nhưng rồi nhờ sự động viên của cô giáo hướng dẫn, của gia đình và bạn bè, em lại tiếp tục làm mãi cho đến lúc thành công mới thôi”, Nhật Minh kể lại.

Lê Nhật Minh cùng Dự án hỗ trợ, điều trị dứt điểm căn bệnh ung thư. Ảnh: MT
Lê Nhật Minh cùng Dự án hỗ trợ, điều trị dứt điểm căn bệnh ung thư. Ảnh: MT

Gặt hái thành công

Được sự hỗ trợ tận tình của cán bộ Viện Nghiên cứu sức khỏe và Phát triển Giáo dục Tây Nguyên, Viện Khoa học Vật liệu và Viện Công nghệ Sinh học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng các chuyên gia đầu ngành, Dự án "Nghiên cứu khả năng đánh dấu và ức chế tế bào gốc ung thư từ hệ nano phát quang đất hiếm - kháng thể (TMC), định hướng điều trị đích căn bệnh ung thư” của em Lê Nhật Minh và Võ Trọng Nhân đã gặt hái thành công ngoài mong đợi.

Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2019 - 2020 diễn ra từ ngày 18- 20/6 tại TP. Đà Nẵng, đề tài của Lê Nhật Minh và Võ Trọng Nhân đã đạt giải Nhì.

Vinh dự hơn, đề tài này cũng được chọn đi dự thi Olympic Phát minh và Sáng tạo Thế giới (WICO) 2020. Vì trong cuộc thi này, yêu cầu khả năng thuyết trình tiếng Anh phải tốt nên Nhật Minh đã quyết tâm theo đuổi Dự án của mình.

Thể hiện năng lực viết báo cáo, năng lực trình bày trước Hội đồng Giám khảo và cạnh tranh với rất nhiều đề tài trên thế giới, cô học trò phố núi đã xuất sắc là chủ nhân của tấm Huy chương Vàng WICO 2020.

"Vì thời gian cho các cuộc thi ngắn nên thí nghiệm chưa được như em mong muốn. Chính vì vậy, hiện tại, em đang nghiên cứu giai đoạn 2 của Dự án này. Em mong muốn những kết quả đạt được sẽ có tính ứng dụng tốt và sớm đưa ra thực tế để giúp cho quá trình điều trị bệnh nhân bị ung thư”, Minh bộc bạch.

Ngoài tấm Huy chương Vàng Olympic Phát minh và Sáng tạo thế giới (WICO) 2020, Lê Nhật Minh còn xuất sắc đạt học sinh giỏi toàn diện với điểm tổng kết trung bình các môn học là 9,2. Nhật Minh cũng đạt giải Nhì Cuộc thi sáng tạo Thanh - thiếu niên nhi đồng năm 2020.

Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai)- ngôi trường vinh dự có học trò Lê Nhật Minh đạt Huy chương Vàng Olympic Phát minh và Sáng tạo Thế giới
Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai)- ngôi trường vinh dự có học trò Lê Nhật Minh đạt Huy chương Vàng Olympic Phát minh và Sáng tạo Thế giới

Olympic Phát minh và Sáng tạo Thế giới (World Invention and Creativity Olympiad) là cuộc thi dành cho các nhóm học sinh phổ thông với những phát minh và sáng chế thực tiễn. Cuộc thi được tổ chức bởi Hiệp hội phát minh sáng chế các trường đại học Hàn Quốc và được Quốc hội Hàn Quốc bảo trợ với sự tham gia của nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Canada, New Zealand…

Cuộc thi nhằm mục đích khơi gợi năng khiếu và niềm yêu thích khoa học kỹ thuật, là một cửa ngõ giáo dục hiện đại và đầy tính tương tác, tạo cơ hội phát triển bản thân cho các em học sinh và nâng bước họ trên con đường học tập trong tương lai.

Đây là lần thứ 9 Olympic Phát minh và Sáng tạo Thế giới WICO được tổ chức với sự tham dự của hơn 1.500 người (các nhà sáng chế) từ 25 quốc gia tham gia (Việt Nam, Hoa Kỳ, Canada, New Zealand,…).

Do tình hình phức tạp của dịch COVID-19, Cuộc thi năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Seoul Hàn Quốc.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.