Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cô giáo JRAI nặng tình với dân tộc mình

PV - 11:16, 13/08/2020

Đáp chuyến xe đêm từ thành phố biển Nha Trang lên Tây Nguyên vào một ngày chớm thu, đặt chân xuống bến xe thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai giữa một thời khắc mà đêm đang dần trôi về sáng và sương mù còn mịt mờ giăng mắc, bao phủ các hàng cây xanh mướt, những dãy nhà chập chùng trên phố núi cao này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một gia đình nhà giáo

Dạo bộ qua vài con đường, thành phố vẫn còn im ngủ, mà trong đầu tôi cứ vẳng lên những giai điệu tha thiết trong ca khúc “Còn chút gì để nhớ” của nhạc sĩ Phạm Duy - phổ thơ Vũ Hữu Định.

Lần tìm đến thăm gia đình em học sinh cũ, vòng vèo qua vài ngã tư, tôi đã đứng giữa ngôi làng Pleiku Roh – một buôn làng của người Jrai hình thành từ đầu thế kỷ XX, ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Phong cảnh buôn làng sạch sẽ, xanh tươi, đời sống người dân ở đây trông khá trù phú.

Học sinh cũ của tôi - Rmah H’Xinh, hiện là giáo viên Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Chồng em là anh Glin cũng là giáo viên hiện công tác tại Trường THCS Lê Đình Chinh, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Cả hai vợ chồng chưa có nhà riêng, đang ở cùng nhà bố mẹ ở làng Pleiku Roh. Trường của cả hai vợ chồng đều cách xa nhà bố mẹ ngót trăm cây số và hai trường cách xa nhau hơn trăm cây số. Hai vợ chồng đều ở tại nhà công vụ của trường, cuối tuần mới tranh thủ về thăm con, rồi đầu tuần lại vội vã quay lại trường.

Hai em đã có một bé gái nhỏ xinh xắn Rmah H’Xuân nay đã lên ba, hiện đang gửi cho ông bà ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng từ lúc mới vài tháng tuổi; bé phải xa cha mẹ, cả tuần mới được gặp một lần.

Gia đình em có truyền thống dạy học, bố mẹ cùng tốt nghiệp Trường CĐSP Gia Lai, hiện bố Kpuih Y Xê đang là giáo viên Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, mẹ Rmah H’Ngoái đã nghỉ dạy, ở nhà tham gia công tác Hội Phụ nữ tại địa phương và chăm cháu ngoại.

Lấp lánh một thời áo trắng

H’Xinh vốn là cựu học sinh từng đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc của Trường Dự bị Đại học dân tộc trung ương Nha Trang (khóa 2007-2008).

Trong một năm học tập và rèn luyện tại đây, H’Xinh đã kịp làm được nhiều việc, bổ sung thêm vào hành trang đầu đời của mình những thành tích đáng khích lệ mà nhiều người phải mơ ước: Giải nhất thi kể chuyện Bác Hồ tại Trường Dự bị đại học DTTW Nha Trang. Được cử tham dự thi Kể chuyện Bác Hồ sinh viên khối các Học viện, ĐH, CĐ, THCN tỉnh Khánh Hòa và đạt giải Ba với câu chuyện cảm động “Đôi dép cao su của Bác Hồ” có nội dung ca ngợi đức tính giản dị, cần kiệm của Bác. Được cử đi thi sinh viên giỏi các trường Dự bị đại học toàn quốc lần thứ nhất tại tỉnh Phú Thọ tháng 4/2008, đạt giải Khuyến khích môn Văn. Kết quả cuối năm học tại trường Dự bị đạt danh hiệu HS xuất sắc với điểm trung bình cả năm là 8,6; được nhận học bổng khuyến học của nhà trường.

Được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Huế, suốt nhiều năm liền sinh viên H’Xinh đạt nhiều thành tích cao trong các hoạt động phong trào và học tập, được nhận học bổng suốt 4 năm đại học, được chọn làm khóa luận tốt nghiệp và ra trường với tấm bằng loại Giỏi của khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Huế (khóa 2008-2012).

Có lần tôi ngỏ ý muốn mời em về tham gia giảng dạy ở bộ môn Ngữ văn của Trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang, nhưng em ngần ngừ, đắn đo suy nghĩ và cuối cùng quyết định trở về lại quê hương Gia Lai – nơi từ đó em đã ra đi - để được dạy dỗ chính con em đồng bào dân tộc Jrai của mình.

Suy nghĩ và hành động

Ở Gia Lai, em được phân công về giảng dạy tại trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Phú Thiện trong buổi đầu trường mới được thành lập. Trường đứng chân cạnh dòng sông Ea Ayun xanh mát, thuộc xã Ia Piar, một xã vùng sâu tỉnh Gia Lai. Học sinh của trường còn ở những xã sâu hơn, hằng ngày phải đi xe đạp đến trường, vượt qua nhiều đèo dốc, núi cao, rừng sâu xa hàng chục cây số; có dạo mưa lũ ngập sông suối, học sinh đành phải nghỉ học.

Đồng bào Jrai ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung suy nghĩ còn đơn giản: Chỉ muốn cho con đi học để biết ít chữ cho bằng chúng bằng bạn rồi ở nhà lao động, cưới chồng, lấy vợ, đi cạo vỏ sắn mì, làm nương, chứ có học nhiều lắm rồi cũng chỉ đi về làm cái rẫy mới no cái bụng được mà thôi.

Bên cốc chè xanh bốc khói hái từ vườn nhà, cô giáo H’Xinh nhỏ nhẹ tâm sự: truyền thụ kiến thức cho học sinh người Jrai thì tất cả các thầy cô khác đều có thể làm được và có khi còn làm tốt hơn em, tuy nhiên việc dạy học không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà còn hướng dẫn, uốn nắn cho các em học sinh Jrai vốn chưa quen với ứng xử, tập quán trong nền văn hóa chung của các dân tộc, chưa hòa nhập cùng dân tộc Kinh; và chính nhờ bản thân em là người Jrai, có điều kiện thấu hiểu, gần gũi các em học sinh cùng dân tộc mình, nên em nghĩ mình sẽ làm việc này tốt hơn, được học sinh và phụ huynh tin tưởng, chia sẻ tâm tư, tình cảm.

Để chiếm được lòng tin cậy, yêu mến của học sinh Jrai như cô H’Xinh hiện nay không phải là chuyện dễ dàng ngày một ngày hai.

Bản tính học sinh người dân tộc tự ái rất cao, khi bị thầy cô phê bình trước lớp hay bạn bè trêu chọc, đùa bỡn quá mức thì dễ cảm thấy bị tổn thương, xấu hổ, thậm chí có trường hợp học sinh vì vậy mà bỏ học luôn.

Nắm được điều này, H’Xinh không bao giờ gây cho học sinh sự ức chế, mà lựa lúc phù hợp, nhẹ nhàng khuyên bảo, góp ý… Mưa dầm thấm lâu, thấy mình được tôn trọng, học sinh cũng dần nhận ra và khắc phục những thiếu sót trong tiếng nói, giao tiếp, hành xử… Mà một khi đã nhận thức ra thì học sinh sẽ kiên quyết sửa chữa, thực hiện bằng được.

Biết phần lớn học sinh Jrai ngại ngùng, e dè, thiếu tự tin khi giao tiếp với nhau bằng tiếng Kinh, giống như người Việt mới học tiếng nước ngoài, cô động viên, khuyến khích các em nên mạnh dạn phát âm, tạo điều kiện cho các em có nhiều cơ hội giao tiếp bằng tíếng Kinh trong khi luyện đọc, luyện nói, luyện viết, dùng từ, đặt câu, làm bài…, phát hiện ra các sai sót, nhầm lẫn để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn.

Đề tài khóa luận tốt nghiệp đại học của H’Xinh quan tâm đến phép liên kết từ, câu tiếng Việt với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số.

Đây là một vấn đề nan giải đối với các em trong sử dụng tiếng Việt; vì phần lớn học sinh các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên nói chung, học sinh Jrai nói riêng khi phát âm thường sai về thanh điệu, và khi tạo câu, lập văn bản thường ít biết vận dụng các phép liên kết khiến diễn đạt câu, tạo lập văn bản bị rời rạc, thiếu mạch lạc.

Từ kết quả của đề tài nói trên, H’Xinh đã tích cực vận dụng trong việc giảng dạy tại lớp. Khi ở ngoài lớp, hoặc đến thăm nhà phụ huynh thì cô trao đổi bằng tiếng Jrai, còn trong lớp thì tuyệt đối không.

Cô quan niệm: tiếng Kinh đối với học sinh Jrai là một ngôn ngữ thứ hai, như một ngoại ngữ, nên khi lên lớp, cô hoàn toàn sử dụng tiếng Kinh, dù học sinh có hỏi bằng tiếng Jrai thì cô vẫn cứ kiên quyết trả lời lại bằng tiếng Kinh, dứt khoát không sử dụng tiếng Jrai, mục đích nhằm đặt học sinh vào tình thế buộc phải tham gia giao tiếp bằng tiếng Kinh, để các em có thể thành thạo ngôn ngữ công cụ này mà sử dụng trong suốt quãng đời học tập, công tác, hòa nhập với xã hội về sau.

Đến nỗi có một dạo học sinh tẩy chay cô, đồn đại với nhau là cô rất kiêu kỳ và gán cho cô biệt danh “cô chảnh”!

Sau này, khi đã hiểu ra mục đích tốt đẹp của cô thì học sinh yêu quý cô, sau giờ học thường tìm đến cô gặp gỡ để chia sẻ tâm tư, tình cảm, muốn được học lớp cô dạy. Có đợt cô dạy thay các thầy cô giáo khác vài tiết, sau đó học sinh lớp dạy thay ấy cứ quyến luyến mãi và thắc mắc, phân bì với lớp khác sao cô không dạy lớp mình.

Từ tấm gương nỗ lực, phấn đấu của chính bản thân mình, H’Xinh đã dần dần chiếm được lòng yêu thương, tin cậy của nhiều thế hệ học sinh Jrai, từ đó từng bước uốn nắn, chấn chỉnh, giáo dục giúp cho học sinh người Jrai hiểu ra sự cần thiết phải ra sức học tập và trau dồi rèn luyện, vượt khó vươn lên; rồi đến lượt mình, chính các em về nhà tác động lại cha mẹ, xóa dần nạn tảo hôn, phải đi học để đổi đời, để có tương lai, làm cán bộ, làm giáo viên…

Thầy Nguyễn Chí Trung - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Võ Văn Kiệt chân thành nhận xét: “Chuyên môn của cô H’Xinh rất vững, cô có cách truyền đạt dễ hiểu, được học sinh yêu mến và rất thích cô dạy.

Quan hệ với đồng nghiệp rất thân thiện và hòa đồng. Tham gia mọi hoạt động đều luôn nhiệt tình và sôi nổi. Tuy là giáo viên trẻ nhưng có nhiều ưu điểm, gương mẫu về mọi mặt, liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; cô H’Xinh sẽ còn tiến xa.”

Hiện nay, hằng ngày ngoài giờ lên lớp, H’Xinh vẫn tích cực đọc sách báo, thường xuyên theo dõi qua mạng internet để cập nhật thêm kiến thức cho các bài giảng, đồng thời cũng vun quén cho tương lai gia đình nhỏ của mình. Vừa rồi, hai vợ chồng đã chắt chiu, tằn tiện mua được một sào rẫy xa nhà đến hơn trăm cây số, với lứa cà phê bén duyên vùng đất mới tốt tươi đang chờ vụ bói.

“Em sẽ ở lại mãi nơi này!”

Trường THPT Võ Văn Kiệt vốn là trường mới được thành lập năm 2011, ban đầu số học sinh bỏ học khá nhiều, năm 2015 nghỉ học hàng trăm em. Tỷ lệ thi đậu tốt nghiệp THPT khá thấp, có năm đứng áp chót ở vị trí 46/47 trường của tỉnh Gia Lai. Vài năm gần đây tình hình học sinh bỏ học đã giảm nhiều, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT tăng dần lên.

Không biết có phải từ những nỗ lực, cố gắng lặng thầm của những người giáo viên như cô H’Xinh hay không, mà thời gian gần đây chất lượng học sinh nhà trường đã có nhiều khởi sắc đáng khích lệ và chứa chan hy vọng.

“Năm 2015, trường chúng tôi chỉ đạt tỷ lệ 48,94% học sinh đậu tốt nghiệp nhưng năm nay, Trường THPT Võ Văn Kiệt đã mạnh dạn đăng ký tỷ lệ này lên 90%. Kết quả cụ thể là: 100% học sinh của trường năm học 2016-2017 đậu tốt nghiệp...” – Thầy Trung hào hứng chia sẻ.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, có muốn được chuyển công tác về gần nhà hơn không, H’Xinh dè dặt bày tỏ: “Ai chẳng muốn gia đình sớm được đoàn tụ chung một nhà, vợ chồng có điều kiện chăm sóc con cái.

Tuy nhiên hiện ở trường em dạy có ngót 70% học sinh người Jrai, suy nghĩ, nhận thức, quan điểm của các em so với học sinh người Kinh và các dân tộc thiểu số khác hãy còn khá hạn chế và cách biệt.

Nhiều phụ huynh còn chưa muốn cho con học lên cao, chỉ cần biết chữ rồi về làm rẫy, trồng mì thôi, nên số học sinh sau khi vào THPT rồi bỏ học khá nhiều.

Em muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc cải hóa những nhận thức hạn hẹp đó trong đồng bào Jrai của em, xóa dần đi những khoảng cách trong nhận thức giữa các dân tộc; nên có lẽ em sẽ ở lại mãi nơi này!”

Có thể trong suy nghĩ của ai đó, một cô giáo người dân tộc thiểu số Jrai, mới ra trường mấy năm, dạy học ở một ngôi trường vùng sâu trên Tây Nguyên, thành tích giảng dạy chưa nhiều thì không có gì đáng lưu tâm lắm; nhưng thiết nghĩ, những suy nghĩ mới lạ, đột phá, cái tâm của một người làm nghề dạy học ở vùng cao, tấm gương vượt khó trong cuộc sống gia đình riêng tư, hy sinh cống hiến cho sự nghiệp trồng người, sự nghiệp giáo dục dân tộc, sự tận tụy “hết lòng vì học sinh thân yêu” của cô giáo H’Xinh thật đáng để xã hội ghi nhận, tôn vinh và tri ân, cũng như cần được biểu dương, nhân rộng trong ngành giáo dục nước nhà nói chung và giáo dục miền núi nói riêng.

Một bình minh đang dần rạng

Tôi - người giáo già ngấp nghé ngưỡng cửa nghỉ hưu, đã có hơn 30 năm dạy học, trong đó hơn nửa thời gian công tác tại một trường sư phạm ở Tây Nguyên, cũng từng ấp ủ kỳ vọng mang đến cho đồng bào ít nhiều sự đổi thay trong nhận thức, tập quán, nếp nghĩ, lối sống… nhưng chưa làm được bao nhiêu vì những khó khăn từ rào cản ngôn ngữ, tập quán khác biệt…; nên tôi hết sức trân trọng, ngưỡng mộ cô học trò nhỏ của mình năm nào, nay đã trở thành đồng nghiệp, đang cùng đội ngũ nhà giáo trên dọc dài rừng núi Tây Nguyên gieo cái chữ cho học sinh các dân tộc Jrai, Êđê, M’nông..., đang chung tay vun bồi những vụ mùa tri thức trên vùng cao nguyên bazan đất đỏ.

Chia tay “phố núi cao, phố núi đầy sương”, anh bạn đồng môn, đồng niên hiện là Trưởng bộ môn Ngữ Văn THPT Pleiku – Đặng Văn Du cố dúi vào tay tôi mấy cân cà phê nổi tiếng phố núi có cái slogan thật quyến rũ “Còn chút gì để nhớ...” khi đưa tôi ra bến xe, dưới màn mưa nhẹ hạt đã dai dẳng suốt đêm qua.

Tôi bồi hồi rời Pleiku trên chuyến xe sớm đầu ngày, khi những rừng cao su, cà phê bạt ngàn tít tắp chạy dọc hai bên quốc lộ 14 vẫn còn đang thiêm thiếp ngủ dưới làn mưa mướt mát.

Tôi chợt nhớ ra: trên con đường này hằng tuần vợ chồng em, ai nấy tự chạy xe máy đến trường của mình mỗi rạng sáng thứ hai, và quay về vào chiều cuối tuần để sum họp gia đình.

Rồi đến ngày đầu tuần sau lại chia tay nhau, trao con cho bà ngoại, vội vã băng hàng trăm cây số, dần xa thành phố phồn hoa, để lại bắt đầu một tuần dạy học mới ở vùng đất còn chưa hết hoang sơ, miệt mài góp phần biến thành hiện thực một ước mơ cháy bỏng: nâng đỡ những cánh chim Jrai non trẻ bay cao hơn, xa hơn, hòa nhập vào bầu trời mênh mông của dân tộc, của đất nước.

Ngoài cửa sổ xe, tuy bầu trời chưa tan hết sương đêm, nhưng mưa đã dần ngớt hạt, từ phía đằng đông một vài tia nắng sớm đã le lói xuyên màn sương, lấp lánh dát đôi ánh bạc lên ven sườn núi lửa cũ Hàm Rồng...

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.