Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cô gái người Mông giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng công nghệ số

Thuý Hồng - 08:24, 18/04/2022

Từng theo học trung cấp y và đi làm ở bệnh viện 1 năm, nhưng rồi xin nghỉ vì nhận thấy đó không phải đam mê của mình, cô gái dân tộc Mông Ma Thị Chú đã quyết định quay lại với nghề buôn bán thổ cẩm trước đó. Cũng bắt đầu từ đây, Chú “bước chân” vào lĩnh vực nông nghiệp. Cô đã ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ nông sản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp địa phương, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất.

Ma Thị Chú hướng dẫn chị em livetream bán hàng
Ma Thị Chú (ngồi giữa) đang hướng dẫn chị em livetream bán hàng

Bỏ việc về bán hàng

Khác với hình dung của nhiều người về một cô gái DTTS lấy chồng sớm; con cái nheo nhóc, Ma Thị Chú, sinh năm 1991, dân tộc Mông ở thị trấn Mường Khương, Lào Cai hiện là bà chủ của 3 HTX nông nghiệp.

Sinh ra và lớn lên ở vùng cao của xã Tả Ngài Chồ, từng trải qua tuổi thơ cơ cực, đã khiến Ma Thị Chú quyết tâm vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó. Chú bảo: Trước đây, nhà Chú rất nghèo. Bố cứ uống rượu say là về gây sự, đánh mẹ. Thế nhưng, từ ngày mẹ đi bán thổ cẩm, có tiền, lo được cho gia đình đầy đủ hơn thì bố có phần nể mẹ và bớt gây sự, cãi vã hơn.

Ma Thị Chú và sản phẩm chế biến từ quả quýt
Ma Thị Chú và sản phẩm chế biến từ quả quýt

"Chứng kiến điều đó, em nể phục mẹ vô cùng, em cũng nhận ra rằng khi phụ nữ tự chủ, độc lập được tài chính thì không sợ hãi bất cứ điều gì". Năm lớp 7, Chú đã bắt đầu đi bán hàng giúp mẹ, rồi chỉ vài năm sau, cô được mẹ cho phép buôn bán riêng để có tiền ăn học.

Vốn là học viên trung cấp y, cũng đã từng công tác ở bệnh viện, nhưng rồi xin nghỉ vì nhận thấy đó không phải đam mê của mình, Ma Thị Chú đã quyết đinh bỏ việc để quay lại với nghề buôn bán thổ cẩm tại các điểm du lịch và xuất cả sang nước ngoài. Sau đó  Chú chuyển sang buôn bán các mặt hàng nông sản.

Thời điểm những năm 2018-2019, thấy các thương lái Trung Quốc tìm thu mua chuối với số lượng lớn, Chú cũng tìm các mối hàng để giao dịch, đổ buôn. Bắt đầu từ đây, Chú bước chân sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp. Cô cùng vài người nữa lập nên HTX Châu Thịnh Phong, chuyên về trồng chuối và sản xuất cây con giống và liên kết tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân.

Không dừng lại ở buôn chuối, mà "mùa nào thức nấy", bất cứ loại nông sản nào thương lái Trung Quốc có nhu cầu, cô đều tìm mối cung cấp số lượng lớn. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc buôn bán cũng thuận buồm xuôi gió, có khi lượng nông sản tồn kho nhiều hơn cả đơn hàng xuất đi.

Đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát, việc làm ăn, kinh doanh của Ma Thị Chú cũng gặp không ít khó khăn, với tố chất nhanh nhạy, cô chuyển sang bán online. Chú thường xuyên livestream để bán hàng trực tiếp luôn tại vườn, tiêu thụ hiệu quả các mặt hàng nông sản như quýt, mận...

Ma Thị Chú hướng dẫn bà con bán đặc sản quýt Mường Khương tại vườn
Ma Thị Chú hướng dẫn bà con bán đặc sản quýt Mường Khương tại vườn

Ứng dụng công nghệ để tiêu thụ nông sản 

Không chỉ trực tiếp bán hàng online, mà Chú còn hướng dẫn cho các chị em trong bản học cách bán hàng online. Chú bắt đầu lập zoom (phần mềm chuyên dụng dành cho việc hội họp - làm việc trực tuyến) để tổ chức trao đổi và truyền đạt lại cách bán hàng, mỗi buổi hướng dẫn cho khoảng 20 chị em.

“Cứ người nọ truyền người kia, giờ em cũng có khá đông người theo dõi và muốn tham gia các lớp học do em hướng dẫn. Em sẽ tiếp tục phát triển mạnh kênh này, hướng dẫn nhiều bạn trẻ, chị em cùng làm như mình để họ có ý thức phát triển bản thân, tự chủ về kinh tế", Ma Thị Chú tâm sự.

Xưởng chế biến các sản phẩm siro từ nông sản
Xưởng chế biến các sản phẩm siro từ nông sản của Ma Thị Chú

Tuy nhiên, đối với người nông dân, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi, việc tiêu thụ nông sản không phải lúc nào cũng thuận lợi. 

Khi thấy những hàng hoá nông sản bà con vất vả làm ra không tiêu thụ được, bị thối hỏng, phải đổ bỏ, Ma Thị Chú lại trăn trở suy nghĩ làm sao để giúp bà con tiêu thụ hết nông sản. Nghĩ là làm, Chú lại tập hợp những người bạn của mình để thành lập HTX thứ 2 - HTX Cộng đồng Mường Khương chuyên chế biến sâu do cô làm Phó Giám đốc chuyên thu mua nông sản từ các loại quýt, chuối, mận để chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đa dạng như: rượu, siro, tinh dầu.

Hàng năm HTX  của Chú sản xuất được 200 nghìn lít rượu, trong đó có 70 nghìn lít rượu chuối, 50 nghìn lít rượu mận, 80 nghìn lít rượu quýt. Mỗi năm HTX của Chú đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương làm việc theo mùa vụ. 12 công nhân với độ tuổi thanh niên làm việc theo hợp đồng, với mức lương từ 8 triệu đồng/tháng.

Xưởng chế biến các sản phẩm tinh dầu từ nông sản
Ma Thị Chú kiểm tra các mặt hàng tinh dầu chế biến từ nông sản

Chú tự hào khoe: Năm 2021, HTX đã gửi hồ sơ tham gia chương trình OCOP và đã nhận được văn bản của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP về chấp thuận ý tưởng sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP đối với siro quýt và tinh dầu quýt.

Nói về những nỗ lực tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân của cô gái Mông Ma Thị Chú, ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khương cho biết: HTX của Ma Thị Chú không chỉ giúp người dân liên kết trồng và tiêu thụ nông sản, liên kết sản xuất theo vùng mà còn tạo việc làm cho các lao động là người DTTS.

Từ chỗ bán hàng online, giờ đây Ma Thị Chú còn livestream để chia sẻ cảnh đẹp, phong tục tập quán quê hương mình. Chú mong muốn tương lai sẽ xây dựng mô hình nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch, giúp bà con từng bước phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và đi lên làm giàu.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.