Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Có căn cước công dân gắn chip rồi có cần đăng ký tài khoản định danh điện tử không?

Lam Anh - 09:39, 05/05/2022

Đó là băn khoăn của người dân về việc tại sao có căn cước công dân (CCCD) gắn chip rồi vẫn cần tài khoản định danh điện tử, liệu điều này có gây lãng phí, phát sinh thêm thủ tục…?


Danh tính điện tử sẽ được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: PHÚC BÌNH
Danh tính điện tử sẽ được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Ảnh: Phúc Bình).

Vì sao vẫn cần tài khoản định danh điện tử?

Theo Bộ Công an, hiện nay việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu.

Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiện nay cũng chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Mặt khác, Bộ Công an với vai trò là cơ quan quản lý dân cư nhận thấy cần có trách nhiệm trong việc xác thực, định danh công dân trên môi trường điện tử, góp phần xác định chính xác thông tin công dân, phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử), mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước. Khi sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin bằng tay như lâu nay.

Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai như trước nay đã làm.

Công dân có thể thay thế CCCD vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...

Đáng chú ý, theo dự thảo nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, tài khoản định danh điện tử ở mức 2, sẽ có giá trị sử dụng như CCCD đối với người Việt Nam, hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế đối với người nước ngoài.

Ngoài ra, khi cá nhân hoặc tổ chức cung cấp danh tính điện tử theo tài khoản định danh điện tử mức độ 2, bên sử dụng danh tính điện tử (cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có yêu cầu sử dụng danh tính số) không được yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ khác để chứng minh thông tin cá nhân đã cung cấp.

Ba lộ trình cấp tài khoản định danh điện tử

Theo Bộ Công an, danh tính điện tử của công dân Việt Nam gồm số định danh cá nhân (mã số trên CCCD); họ, tên đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; nơi đăng ký thường trú; ảnh chân dung và vân tay.

Cấp tài khoản định danh điện tử và thẻ CCCD cho đối tượng ưu tiên tại Bộ phận một cửa Công an tỉnh Thanh Hoá.
Cấp tài khoản định danh điện tử và thẻ CCCD cho đối tượng ưu tiên tại Bộ phận một cửa Công an tỉnh Thanh Hoá.

Tài khoản định danh điện tử bao gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân) và mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân). Tài khoản này đã được Bộ Công an xác thực thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo tính chính xác, duy nhất và không thể giả mạo.

Công an TP Hà Nội cho biết việc triển khai cấp tài khoản định danh điện tử được chia làm ba lộ trình.

Trong đó, giai đoạn 1 (từ ngày 25/2/2022 đến 31/3/2022), ngành công an bắt đầu cấp tài khoản định danh điện tử khi công dân đăng ký làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD (hệ thống và phần mềm đã sẵn sàng cho việc cấp tài khoản định danh điện tử cùng cấp CCCD).

Giai đoạn 2, từ ngày 1/4/2022 bắt đầu cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân đã có CCCD; từ ngày 1/5/2022 cấp tài khoản định danh điện tử cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Cục C06 sẽ hoàn thành việc xây dựng phần mềm phục vụ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân đã có CCCD, Cục A08 hoàn thành việc xây dựng phân hệ phần mềm cấp tài khoản định danh điện tử cho người nước ngoài, kết nối thành công với hệ thống định danh và xác thực điện tử của Cục C06.

Giai đoạn 3 (từ ngày 15/7/2022), bắt đầu triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho các tổ chức, doanh nghiệp khi nghị định về định danh và xác thực điện tử được ban hành và có hiệu lực.

Khi thực hiện các thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử, công dân cần chuẩn bị CCCD gắn chip còn thời gian hiệu lực. Trường hợp công dân mất CCCD gắn chip hoặc CCCD quá hạn thì có thể thực hiện thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử kèm cấp CCCD gắn chip tại cơ quan công an./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.