Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chuyện về những thầy cô giáo hiến dâng tuổi xuân trên miền đất khó

Lê Ngọc - Tiêu Dao - 04:05, 18/11/2023

Trên những núi cao, nơi khó khăn nhất của huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), có những thầy cô giáo đêm tuổi xuân, miệt mài gieo chữ, mang ánh sáng đến cho những học sinh DTTS nghèo miền sơn cước.


Cô giáo Trà Thị Thu thường xuyên vận động để có lương thực thực phẩm cho học sinh bán trú của mình
Cô giáo Trà Thị Thu thường xuyên vận động xã hội hóa để có lương thực thực phẩm cho học sinh bán trú của mình

Mái trường trên đỉnh núi mù sương

Trên lưng chừng núi cao, nơi những làn sương mù quanh năm che phủ, việc dạy và học nơi đây cũng trở nên khó khăn hơn so với các địa phương khác. Trong rất nhiều khó khăn khác nhau, thì việc duy trì học sinh đến lớp là một trong những vấn đề các thầy cô giáo ở đây lưu tâm nhất. Năm học 2023 – 2024, điểm trường nóc Lăng Lương thuộc  Trường Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (Nam Trà My) có 31 học sinh lớp 1, 2 và mẫu giáo, do hai cô giáo Trà Thị Thu và Trần Thị Nhung đứng lớp.

Cô Trà Thị Thu bộc bạch: Trà Tập là xã khó khăn của Nam Trà My, cách trở về giao thông nên việc học tập của con em người Ca Dong nơi đây rất gian nan. Vì điểm trường nằm sâu trong núi rừng nên đời sống giáo viên cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vì lòng yêu nghề và thương trẻ nên ai cũng cố gắng trụ lại. Để có được ngôi trường như hiện nay, các thầy cô giáo đã phải cùng người dân cõng từng viên gạch, từng bao xi măng, từng tấm ván gỗ về xây trường. Những ngày đầu, học sinh đi học không nhiều, không đều như bây giờ, các cô giáo phải thay nhau đến từng gia đình động viên các em! Vì cái chữ cho những đứa trẻ, các cô đã phải cố gắng rất nhiều.

Cô giáo Trà Thị Thu (trước) và cô Trần Thị Nhung (sau) và các em học sinh tại điểm trường Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập
Cô giáo Trà Thị Thu (trước) và cô Trần Thị Nhung (sau) và các em học sinh tại điểm trường Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập

Cùng chung tâm trạng, cô Trần Thị Nhung chia sẻ: “Ban đầu lên đây, giữa núi rừng heo hút, tôi buồn lắm. Có lần về dưới xuôi định không lên nữa, nhưng rồi lại thấy nhớ những đôi mắt đợi trông của học trò, thương người dân còn nhiều cực nhọc, tôi lại khăn gói lặn lội lên đây. Nhìn những gương mặt mong mỏi đợi trông của các em khi thấy mình trở lại mà thương trào nước mắt!”,

Vì điều kiện kinh tế, nhiều em học sinh còn bận đi làm rẫy giúp gia đình nên giáo viên trong trường lại đi vận động các em tới lớp. Vì có nhiều em nghỉ học là không đến trường nữa. Có cô giáo Thu cùng những thầy cô khác sợ các em bỏ học, lúc đến vận động nhắc nhở các em là ở luôn lại làng, rồi đưa các em đi cùng…Thế rồi, đỉnh núi mù sương cùng những học trò nhỏ, chưa sõi tiếng phổ thông đã níu chân các cô ở lại. Bà con dù đời sống khó khăn nhưng luôn sẵn lòng giúp các cô ổn định cuộc sống. Bởi thế dù thiếu thốn, vất vả nhiều lắm nhưng các cô đã đến và ở lại với đàn em nhỏ trên đỉnh núi mù sương này.

Trên đỉnh mù sương, những giáo viên cắm bản đã vượt qua không ít khó khăn, vất vả để mang cái chữ đến con em đồng bào
Trên đỉnh mù sương, những giáo viên cắm bản đã vượt qua không ít khó khăn, vất vả để mang cái chữ đến con em đồng bào

Cô giáo Lưu Thị Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My) chia sẻ: Xã Trà Tập có 12 điểm trường lẻ. Để việc dạy và học diễn ra xuyên suốt, các thầy cô giáo ở đây không chỉ là thầy, là cô đứng lớp mà còn là những người cha, người mẹ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho hàng chục học sinh đang học tại trường. Việc duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình bán trú, cùng với sự tận tâm của đội ngũ giáo viên đã nâng cao chất lượng dạy và học của nhiều thế hệ học sinh trên địa bàn vùng núi cao.

Trên đỉnh núi cao này, bữa cơm đạm bạc miền núi thấm đẫm hơi sương được dọn ra. Bàn ăn cho giáo viên và mấy chục học sinh ở điểm trường đặt cạnh bếp lửa luôn đỏ rực để át đi cái lạnh của vùng cao. Ở những điểm trường như thế này, ngoài giờ dạy, thầy cô giáo nơi đây phải tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà, hay xuống suối bắt cá để cải thiện bữa ăn. Lâu lâu, khi có đoàn lên thăm mới nhờ gửi được gạo, mắm, cá khô, hay một chiếc áo mới. Mùa mưa lũ chia cắt, nhiều lúc hết gạo, cá, họ cùng ăn sắn, ăn khoai với đồng bào. Và có lẽ, chính sự trưởng thành của các thế hệ học sinh và chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên qua từng năm học là động lực to lớn để các thầy cô gắn bó hơn với nghề “gieo chữ” và “trồng người” trên xã vùng cao còn khó khăn nhưng giàu tình yêu thương này.

Cô giáo không chỉ dạy chữ

Cô giáo Trà Thị Thu, sinh ra và lớn lên tại đồng bằng, học xong ngành Sư phạm tháng 10/2014, cô ra trường và nhận nhiệm vụ về giảng dạy tại vùng núi cao, cách xa điểm trường chính và hầu hết đường đến các điểm trường đều phải đi bộ. Cô giáo trẻ luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, nhiều năm là giáo viên dạy giỏi của trường. Với một giáo viên cắm bản điều kiện ở điểm trường lẻ còn nhiều khó khăn thiếu thốn cô đã vận động các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện, thiện nguyện, từ năm học 2020-2021 đến nay đã hỗ trợ được 70 bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh, trang bị 1 tivi, 2 tủ sách, 1 máy vi tính, 1 loa, 500 ghế nhựa; xây dựng 1 khu vui chơi cho 500 học sinh, lắp 10 bộ đèn năng lượng thắp sáng con đường từ làng vào trường với tổng giá trị lên trên 150 triệu đồng.

Để hỗ trợ, động viên bà con vươn lên thoát nghèo, cô Trà Thị Thu cũng đã vận động được hơn 600 suất quà gồm các loại cây giống, cây dược liệu dụng cụ lao động như cuốc, xà ben, rựa,…; gạo, mì tôm, lương thực, thực phẩm; vận động hỗ trợ vật liệu cho hơn 20 hộ dân tại làng Tak pổ, lắp đặt hố xí hợp vệ sinh với tổng giá trị gần 400 triệu đồng. Trong đợt dịch Covid-19 năm 2021, cô đã kêu gọi quyên góp được 60 tấn rau, củ quả, 500 thùng sữa, 500 thùng mì tôm, 200 đơn thuốc chữa bệnh, 300 bộ quần áo chống dịch, 200 bộ que kist test, 20.000 khẩu trang y tế, 3.000 tuýp C sủi,… góp phần phục vụ công tác phòng, chống dịch ở xã Trà Tập.

Nhiều năm qua, dù trải qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả nhưng cô giáo trẻ Trà Thị Thu vẫn từng ngày miệt mài gieo con chữ, chăm sóc tận tình cho các em nhỏ đồng bào Ca Dong bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và bằng cả một tình yêu vô tận. Những việc của cô Thu đã tạo hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa, được mọi người dân và học sinh ở xã Trà Tập yêu thương và quý mến, góp phần giảm bớt khó khăn cho các em học sinh và người DTTS. Với việc làm của mình, năm 2022, cô Thu vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng tiêu biểu, điển hình trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cô Trà Thị Thu bộc bạch, theo quy định thì những giáo viên cắm bản sẽ được luân chuyển theo chế độ và thời gian công tác. Những thầy cô giáo công tác ở vùng núi cao khó khăn từ 5 năm trở lên sẽ được chuyển vùng, chuyển về dưới xuôi với điều kiện tốt hơn nhiều, nhưng: “Cái đất, cái tình người ở đây cứ quện lấy mình rồi. Đi thì nhớ lắm! Có thầy cô giáo ban đầu định bỏ nghề rồi vì không chịu đựng nổi với những khó khăn này, nhưng về dưới xuôi mấy bữa lại thấy khăn gói lên lại bảo rằng nhớ rừng, nhớ đất, nhớ người vùng cao quá không chịu nổi”.

Trên đỉnh núi sương giăng lãng đãng, cái lạnh cứ bủa vây trong cơn mưa rừng rả rích. Có lẽ ít ai hiểu rằng những thầy cô giáo nơi đây phải gắng gượng lắm để vượt qua được hết nỗi buồn, sự thiếu thốn và cả những mong ước rất giản dị của mình. Những người thầy cô đang dâng hiến tuổi xuân của mình nơi gian khó đã và đang là tấm gương sáng, lan tỏa những việc làm ý nghĩa vì học trò vùng cao, vì đồng bào DTTS. 

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.